Xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 09/01/2023 | 15:44

Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, thời gian qua ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và được xác định là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Tuy nhiên, một trong những thách thức mà tỉnh đã và đang phải đối mặt chính là ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng cực đoan và khó lường.

Nông dân huyện Hồng Dân cắt bỏ lúa lép bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

NHIỀU THÁCH THỨC

Với điều kiện sinh thái đặc thù đã hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho Bạc Liêu đa dạng hóa các mô hình sản xuất và tạo ra hai sản phẩm kinh tế chủ lực là lúa và tôm.

Thế nhưng, vấn đề BĐKH, nước biển dâng đã và đang diễn ra nhanh hơn so với các dự báo trước đây. Đặc biệt, hiện tượng triều cường bất thường xuất hiện trong các năm gần đây gây thiệt hại rất lớn và làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là cư dân tuyến ven biển của tỉnh.

Điều đáng quan tâm là các loại thiên tai với cấp độ rủi ro cao xuất hiện nhiều hơn như: bão, áp thấp nhiệt đới, dông lốc, sét, hạn hán, ngập lụt, sạt lở đất, mưa trái mùa, gió mạnh trên biển… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân. Đồng thời đặt ra nhiều thách thức trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.

Về nguồn nước ngọt, Bạc Liêu là tỉnh cuối cùng thuộc Bán đảo Cà Mau thừa hưởng được một phần nước ngọt từ lưu vực sông Mê Kông. Song, do quá xa nguồn nước ngọt (cách sông Hậu khoảng 100km) nên vào mùa khô, vụ lúa đông xuân của tỉnh thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu nước ngọt và bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào tiểu vùng giữ ngọt ổn định. Trong khi đó, nguồn nước ngầm hiện nay cũng đang có dấu hiệu bị ảnh hưởng, mực nước tĩnh ở các giếng khoan đã bị hạ thấp từ 3 - 5m vào mùa khô, gây nhiều khó khăn trong khai thác phục vụ dân sinh và sản xuất.

Thêm vào đó, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển đang xảy ra khá nghiêm trọng. Cụ thể, Bạc Liêu có 15km bờ biển, 39 khu vực bờ sông với chiều dài 496km đang bị sạt lở. Đồng thời, triều cường có xu hướng dâng cao bất thường, xuất hiện vào khoảng tháng 10 năm trước cho đến tháng 2 năm sau. Các đợt triều cường xuất hiện đã gây ngập cục bộ ở một số khu vực trũng thấp, gây ngập các đô thị ở vùng Nam Quốc lộ 1A và tràn qua một số đoạn trên Quốc lộ 1A làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt, đi lại của người dân.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất vừa thiếu lại vừa yếu, nhất là điện, giao thông, thủy lợi... chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống kênh mương bị bồi lắng nhanh, đặc biệt là ở khu vực sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn để đầu tư hàng năm và tạo thêm nhiều áp lực cho phát triển bền vững.

Triều cường dâng cao gây ngập úng cục bộ vùng chuyên lúa của huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: K.T

CHỦ ĐỘNG “SỐNG CHUNG”

Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững và tạo nên những sức bật mới trong năm 2023, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thích ứng và chủ động “sống chung” với BĐKH, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bạc Liêu cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với BĐKH. Theo đó, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; tiếp tục đầu tư các dự án đê biển, đê sông, các khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá, bến cá và các công trình phòng, chống thiên tai; các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung phía Nam Quốc lộ 1A; vùng sản xuất tôm - lúa, ô đê bao khép kín, trạm bơm điện... phục vụ sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh. Sớm đầu tư Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu và phấn đấu khởi công vào đầu năm 2023.

Cùng với đó, xây dựng bộ công cụ thông minh (chương trình, phần mềm quản lý nông nghiệp) kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin địa lý GIS hỗ trợ cập nhật, lưu trữ, phân tích và truyền tải khuyến cáo tới người dân như: đặc điểm thổ nhưỡng, tính thích nghi của đất đối với các loại thủy sản, cây trồng; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản; diện tích vùng nuôi trồng các loại cho toàn vùng; nguồn nước; các điểm cung ứng vật tư ngành Thủy sản, thu mua và bảo quản, chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Riêng Sở NN&PTNT thì đề nghị xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường nước tự động nhằm kịp thời phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, giúp người dân chủ động trong sản xuất; giúp địa phương nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Đặc biệt, giúp tỉnh Bạc Liêu xây dựng báo cáo nghiên cứu chuyên sâu đánh giá tác động của BĐKH đối với sản xuất và đời sống dân sinh trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chống bồi lắng ở vùng ven biển để hạn chế tình trạng bồi lắng kênh mương…

TRẦN THANH

Để phát triển vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 695  thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và thành lập Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.

Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, để tăng cường sự phối hợp cấp vùng và tiểu vùng, nhất là trong ứng phó với BĐKH và phát huy thế mạnh kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL, cần thực hiện một số nội dung sau:

Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu Đề án “Phát triển liên kết kinh tế nông nghiệp vùng theo hướng đột phá về cơ chế đặc thù nhằm phát triển nhanh và bền vững”. Trong đó, nghiên cứu tập trung vào 3 nội dung chủ yếu: Phát triển kinh tế nông nghiệp (xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng...); phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, trong nông nghiệp của vùng.

Tiếp tục điều phối chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản; theo dõi tiến độ, thúc đẩy xây dựng các mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở bảo quản chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trong vùng.

Tổ chức kết nối với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển kinh tế dịch vụ, logistics phục vụ nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn cho vùng ĐBSCL. Điều phối chỉ đạo các tỉnh trong vùng phối hợp trong công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất liên vùng, trên cơ sở lịch thời vụ sản xuất của các tỉnh trong vùng. Nghiên cứu, có phương án xử lý cấp nước, điều tiết nước thông qua đầu tư hệ thống thủy lợi có tính liên vùng, tiểu vùng.

Điều phối triển khai kế hoạch đầu tư công của Bộ NN&PTNT, các quy hoạch, chiến lược, chương trình, dự án về đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả, đa giá trị các công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai và ứng phó BĐKH.

Các tỉnh trong vùng ĐBSCL thường xuyên phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh có tính chất liên vùng; có giải pháp hiệu quả trong điều hành sản xuất, phòng chống thiên tai, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, kinh tế tập thể, hợp tác xã và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.