Xây dựng giống lúa mang thương hiệu Bạc Liêu

Thứ Sáu, 15/10/2021 | 15:51

Hiện nay, tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh có nhiều giống lúa mang thương hiệu Bạc Liêu và được đưa đi trồng khảo nghiệm ở các vùng sinh thái khác nhau. Trong đó, các giống lúa được lai tạo chịu mặn và giống lúa thơm BLR413 thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đang được đưa đi trồng khảo nghiệm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ.

Cánh đồng lúa BLR413 do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh trồng thí điểm.

GIỐNG LÚA THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Hướng tới nâng cao giá trị hạt lúa, thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã nghiên cứu, lai tạo và chọn các giống lúa có đặc tính nổi trội về năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất và khí hậu của địa phương. Theo đó, Trung tâm đã lai tạo thành công nhiều giống lúa như BLR103, BLR105, BLR203, BLR312, BLR413, BLR404… Trong số này có 2 giống BLR103 và BLR105 có khả năng chịu mặn khá cao. Giống lúa BLR103 và BLR105 có nguồn gốc từ tổ hợp lai giống Một bụi đỏ (huyện Hồng Dân) và giống OM263 của Viện Lúa ĐBSCL. Sau khi lai tạo từ tổ hợp lai, 2 giống lúa này đều thích nghi với vùng tôm - lúa ở các địa phương trong tỉnh. Trung tâm Giống nông nghiệp thủy sản tỉnh cũng đã tiến hành cho trồng khảo nghiệm tại 3 vùng tôm - lúa ở TX. Giá Rai, huyện Phước Long và huyện Hồng Dân trong 3 vụ liên tục. Qua sản xuất trình diễn ở các điểm, ngành chuyên môn đánh giá 2 giống lúa BLR103 và BLR105 thích nghi cao với các vùng sản xuất tôm - lúa trong tỉnh. Thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày, thấp cây, thân cứng, hàm lượng protein cao (8,25 - 8,3%), cơm mềm, có vị ngọt đặc trưng của giống Một bụi đỏ. Đặc biệt là 2 giống lúa này ít nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn, bệnh đạo ôn. Khả năng chịu mặn ở giai đoạn trổ chín của giống BLR103 là 4‰, BLR105 là 5‰, rất phù hợp cho vùng tôm - lúa của tỉnh. Đồng thời, 2 giống lúa này còn chịu được hạn mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tham quan mô hình sản xuất lúa - tôm khi dịch COVID-19 chưa bùng phát.

NHIỀU ĐẶC ĐIỂM NỔI TRỘI

Trong các giống lúa lai tạo, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh kỳ vọng vào giống lúa BLR413. Ông Đặng Văn Dậu (ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) đã dành một công đất để canh tác thử nghiệm giống lúa BLR413. Đánh giá về giống lúa này, ông Dậu cho biết: “Gia đình tôi trồng thử nghiệm giống lúa BLR413 trên diện tích 1.000m2 đất. Quá trình canh tác, tôi thấy giống lúa này ít bị nhiễm bệnh, trổ bông đồng loạt, năng suất đạt ngang bằng với một số giống lúa thơm khác”. Còn ông Nguyễn Văn Trực (ấp Ninh Điền, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) cho rằng: “Giống lúa BLR413 so với các giống lúa tại địa phương thì nhảy chồi tốt, ít nhiễm sâu bệnh, lúa trổ bông đồng đều, năng suất đạt từ 6 - 7 tấn/ha, chất lượng gạo thơm ngon”.

Theo đánh giá từ các điểm trình diễn, giống BLR413 rất phù hợp cho vùng sản xuất 3 vụ lúa, thời gian sản xuất 95 ngày, ít nhiễm sâu bệnh, cứng cây, có tiềm năng cho năng suất khá. Đặc biệt là phẩm chất gạo thơm ngon, dẻo, phù hợp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây là giống lúa mà ngành chức năng đang hướng đến xây dựng thương hiệu lúa Bạc Liêu. Sau khi trồng khảo nghiệm và được công nhận giống quốc gia, tỉnh có thể nhân rộng và khuyến khích sản xuất giống lúa này trên đồng đất Bạc Liêu.

Nông dân tham gia đánh giá giống lúa tại khu thực nghiệm của Trung tâm Giống nông nhiệp tỉnh (ảnh chụp năm 2020).

Ông Nguyễn Phương Hùng - Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp - thủy sản tỉnh, đánh giá: “Trung tâm đã triển khai sản xuất thử 3 giống lúa BLR103, BLR105 và BLR413 trên các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh để đánh giá thêm tính thích nghi, làm cơ sở cho việc công nhận giống quốc gia. Trong đó, đặc tính sinh học của các giống lúa khá nổi trội về mặt thời gian sinh trưởng so với giống bố mẹ. Cây lúa cứng, thấp cây, khắc phục nhược điểm của cây lúa bố mẹ quá dài, dễ đổ ngã. Năng suất khá cao (từ 6 - 7,5 tấn/ha) khi canh tác ở các vùng sinh thái... Đồng thời, Trung tâm đề nghị Sở NN&PTNT, UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị đưa giống lúa BLR413 vào sản xuất và hướng đến xây dựng giống lúa này thành giống lúa mang thương hiệu Bạc Liêu. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân các địa phương sản xuất các giống lúa chịu mặn trên vùng lúa - tôm, vùng thường xuyên ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn thay cho các giống lúa khác…

Bài, ảnh: MINH CHÂU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.