Xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm xanh

Thứ Hai, 06/12/2021 | 16:44

Trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ dịch bệnh COVID-19, ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định được vai trò và là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Song, trong phát triển, ngành Nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA

Theo các chuyên gia, ngành Nông nghiệp nước ta đang đứng trước 3 chữ “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Do đó, ngành đặt mục tiêu chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa đáp ứng vai trò cung cấp lương thực và thực phẩm với yêu cầu ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá, quá trình này diễn ra chậm, sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp vẫn mang nặng tính tự phát, phong trào, thụ động… nên cần mức độ mạnh và bài bản hơn. Theo đó, cần phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh...

Để làm được những vấn đề nêu trên, ngành Nông nghiệp cần đổi mới tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng lực triển khai; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong nước trong việc sử dụng các sản phẩm nông sản xanh; xây dựng, công bố các tiêu chuẩn xanh và công nhận các nguyên liệu xanh cho các tổ chức sản xuất và kinh doanh; xây dựng các mô hình liên kết để phát triển và hình thành các sáng kiến xanh hóa chuỗi cung ứng nhằm cắt giảm chi phí xanh hóa...

Sử dụng máy sạ lúa theo khóm sẽ giúp giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: C.L

Theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn hoàn toàn khác với công nghiệp do chủ thể của nông nghiệp là các hộ nông dân, các chủ trang trại và cuối cùng mới là các chủ doanh nghiệp quy mô lớn. Vì vậy, cần có sự tương thích giữa trình độ quản lý của các chủ thể nông nghiệp với trình độ của máy móc, công cụ và quy mô diện tích đất sử dụng. “Ngành Nông nghiệp cần những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi nông nghiệp xanh và bền vững. Phải hành động ngay trong việc thay đổi mô hình phát triển nông nghiệp, nhằm đảm bảo tính bền vững, cạnh tranh và khả năng phục hồi khi đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng đến nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan khẳng định.

HƯÓNG TỚI NHỮNG “GIÁ TRỊ XANH”

Trong định hướng phát triển nền nông nghiệp, những năm qua Bạc Liêu luôn ưu tiên và tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận và triển khai các mô hình kinh tế mới, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng các mặt hàng nông sản sạch, an toàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Điển hình như mô hình tôm - rừng ở huyện Đông Hải; mô hình trồng táo trong nhà màn ở huyện Vĩnh Lợi; mô hình sử dụng rơm, rạ sau thu hoạch để làm nấm rơm ở huyện Phước Long… Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều phân, thuốc trong canh tác chính là một trong những nguyên nhân làm cho lợi nhuận cuối vụ thường khá thấp, không tương xứng với công sức của người nông dân. Mặt khác, đây cũng là tác nhân khiến cho đất canh tác ngày càng bị bạc màu, năng suất cây trồng sụt giảm, các đối tượng thiên địch trên đồng ruộng dần bị triệt tiêu… Ông Nguyễn Văn Trí (huyện Phước Long) chia sẻ: “Hồi trước làm lúa tuy năng suất thấp nhưng chất lượng gạo rất ngon. Giờ lạm dụng phân, thuốc quá mức, dù năng suất có tăng nhưng chất lượng các mặt hàng nông sản thì ngày càng “thụt lùi”.

Hiện nay, ngoài thách thức về “cải cách” quy trình canh tác cho nông dân để dần hướng đến nền nông nghiệp “sạch”, lĩnh vực nông nghiệp còn đang đối mặt với những thách thức như giảm năng suất trong ngành, áp lực gia tăng sản lượng, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Việc sản xuất sản phẩm, tương lai nông nghiệp sẽ dựa vào tri thức nhiều hơn trong khi tập quán thâm dụng tài nguyên và dấu chân carbon (carbon footprint) cần phải giảm thiểu. Lĩnh vực nông nghiệp cũng cần nhạy bén hơn với những nhu cầu trên toàn cầu để sản xuất sản phẩm an toàn hơn với môi trường.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.