Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Xây dựng chuỗi liên kết trong nuôi tôm
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đã và đang trở thành mắc xích quan trọng trong chuỗi sản xuất của mỗi địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của thị trường đang dần dịch chuyển theo hướng chuộng về chất lượng hơn số lượng thì việc nâng chất các sản phẩm nông nghiệp cũng trở thành yếu tố “sống còn” đối với mỗi doanh nghiệp và nông dân.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của huyện Đông Hải. Ảnh: C.L
Hai bên cùng có lợi
Nếu như trước đây, Bạc Liêu chỉ xây dựng được các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, sản xuất theo địa chỉ tiêu thụ cụ thể, thì nay, con tôm - một trong những vật nuôi chủ lực của tỉnh cũng đã được quan tâm, tạo điều kiện hình thành các vùng nuôi theo tiêu chuẩn, chất lượng và yêu cầu của doanh nghiệp. Từ hướng đi này, đã mở đường cho con tôm Bạc Liêu “bơi xa”. Hiện nay, Bạc Liêu có hơn 1.000ha thực hiện liên kết chuỗi, đạt tiêu chuẩn quốc tế như: GlobalGAP, ASC, Organic, Natural Land. Ông Dương Minh Đoàn (ấp Cây Giá, xã Định Thành, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Sản xuất theo quy trình, kỹ thuật bắt buộc tuy có cực hơn trước một chút nhưng đổi lại tôm nuôi sau khi thu hoạch có địa chỉ tiêu thụ cụ thể, giá lại cao hơn so với giá tôm nuôi theo phương thức cũ khá nhiều nên thu nhập của người nuôi tôm tăng lên đáng kể. Thêm nữa, với cách nuôi thân thiện với môi trường còn giúp vuông nuôi vẫn giữ được điều kiện tự nhiên ban đầu, cây cối phát triển tốt, cảnh quan được giữ vững”.
Không chỉ tôm nuôi theo hình thức thâm canh được chọn làm các vùng nguyên liệu cho các đối tác là công ty, doanh nghiệp mà hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao cũng đã từng bước xây dựng được chuỗi liên kết và sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn mới. Theo ông Phạm Văn Chu - hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu): “Nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi kỹ thuật, chi phí rất lớn. Việc liên kết, tạo đầu ra ổn định sẽ giúp người nuôi tôm yên tâm hơn mỗi khi bắt tay vào vụ mới. Bên cạnh đó, việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn bắt buộc còn giúp bà con dần hình thành thói quen canh tác thân thiện với môi trường, hướng đến sản xuất bền vững”.
Việc liên kết sản xuất chuỗi cũng mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Bởi với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường về vùng nuôi, chất lượng nguồn nguyên liệu, các tác động hoạt động nuôi đến môi trường… đã buộc doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu tôm phải liên kết với nông dân để quản lý được chất lượng tôm thương phẩm, xây dựng đạt những tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi hình thành được vùng liên kết sản xuất theo quy trình kỹ thuật cao, sản phẩm của chính doanh nghiệp liên kết với nông dân sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường. Ông Trần Bé Sáu - Giám đốc điều hành Nhà máy thủy sản Việt - Úc, cho biết: “Việc xây dựng được vùng nguyên liệu giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng cũng như có thể sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn của từng thị trường để hướng đến mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung trên trường quốc tế”.
liên kết bền vững
Trong 3 năm qua, Bạc Liêu đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như: giao thông, thủy lợi và điện để phục vụ phát triển ngành nuôi tôm. Trong đó, thường xuyên nạo vét khơi thông các tuyến kênh, đáp ứng kịp nhu cầu khoảng 75 - 80% cho vùng nuôi tôm; hoàn thành và đưa vào sử dụng 25 tuyến công trình điện, phục vụ cho hơn 15.000 hộ dân. Ngoài ra, tỉnh cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 3 công trình thí điểm đầu tư lưới điện phục vụ nuôi thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải. Song song đó là nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường biển với trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu và tạo thuận lợi chuyên chở, vận chuyển thủy sản đi chế biến hoặc tiêu thụ.
Bạc Liêu có sản lượng tôm thương phẩm nằm ở tốp đầu cả nước, thế nhưng nhà máy chế biến lại rất hạn chế, quy mô phần lớn là nhỏ lẻ, gia công nên chỉ sử dụng khoảng 50% nguyên liệu tôm của tỉnh. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất với người nuôi tôm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời đầu tư công nghiệp chế biến và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế là hướng đi quan trọng được tỉnh tập trung phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều, cho biết: “Dự kiến từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm của Việt Nam nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các thị trường có thế mạnh về nuôi tôm như: Ecuador và Ấn Độ, cũng như tình hình bất ổn chính trị trên thế giới. Cùng với đó, việc giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm và thấp hơn giá tôm nguyên liệu trong nước sẽ gây trở ngại không nhỏ cho ngành xuất khẩu tôm. Vì vậy, liên kết chuỗi để khẳng định thương hiệu tôm Bạc Liêu sẽ là một trong những bước đi quan trọng tạo nên sự khác biệt với các sản phẩm tôm phổ thông nhằm nâng cao giá trị cũng như gia tăng thêm cơ hội cho sản phẩm tôm trên thị trường xuất khẩu”.
Chí Linh
- Kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Khuyến học Võ Văn Kiệt tỉnh Bạc Liêu
- Nghị quyết 68: Vận hội mới cho kinh tế tư nhân bứt phá
- Những bài học “soi lối” cho báo chí cách mạng phát triển đúng hướng
- Bế mạc Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Luật BHXH 2024: Người từ 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí