Trên cánh đồng thuận thiên ở Bạc Liêu

Thứ Sáu, 07/02/2025 | 15:10

Hướng tới mục tiêu giảm phát thải nhà kính, Bạc Liêu đã xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, lúa - tôm, lúa hữu cơ… Đặc biệt, năm 2025 tỉnh sẽ bắt tay vào thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Và đó cũng là cơ sở ra đời những cánh đồng thuận thiên.

Thu hoạch lúa ở Hợp tác xã Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình).

CÁC MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP “THÔNG MINH”

Ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang triển khai nhiều mô hình thí điểm ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo như: ứng dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); áp dụng một số tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ, sản xuất lúa sạch, lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… Theo đó, nông dân áp dụng các mô hình trên 80% diện tích gieo trồng mỗi năm, lợi nhuận tăng thêm từ 3 - 5 triệu đồng/ha/vụ. Điển hình là mô hình tưới ngập khô xen kẽ áp dụng vào sản xuất vụ lúa đông xuân. Mô hình này được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Dự án GIZ triển khai trên cánh đồng lớn. Nông dân Nguyễn Minh Thắng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Trước đây, chi phí trồng lúa từ 20 - 22 triệu đồng/ha. Từ khi áp dụng mô hình tưới ngập khô xen kẽ thì chỉ còn khoảng 17 triệu đồng/ha. Năng suất lúa từ  6 - 7 tấn/ha tăng lên 9 - 10 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm hơn 5 triệu đồng/ha”. Mô hình tưới ngập khô xen kẽ đạt hiệu quả nên được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) nhân rộng ra toàn diện tích với 100% xã viên áp dụng vào sản xuất. Ngoài mô hình này, HTX Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) xây dựng quy trình sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX được FAO cấp Giấy chứng nhận VietGAP trên diện tích 60ha với 42 hộ xã viên. Trong quá trình sản xuất lúa, các xã viên luôn thực hiện theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, từ khâu đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất, quản lý đất, lúa giống, phân bón, nước, ghi chép sổ nhật ký đầy đủ… nhằm an toàn cho người tiêu dùng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.

Ông Trần Văn Na - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Hướng sản xuất lúa của ngành Nông nghiệp tỉnh là sản xuất theo hướng xanh, an toàn, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… nhằm hạ giá thành đầu vào, tăng giá trị sản phẩm. HTX Thanh Sơn là đơn vị đầu tiên của tỉnh được nhận Giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình sản xuất của HTX là tiền đề hướng tới thực hiện mục tiêu Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh”.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa sản xuất theo hướng an toàn. Ảnh: M.Đ

 CÁNH ĐỒNG GIẢM PHÁT THẢI

Mục tiêu của Bạc Liêu trong năm 2025 là triển khai 28.000ha gieo trồng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên toàn tỉnh, đến năm 2030 là 46.000ha, nhằm hiện thực hóa các chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng tới mục tiêu sản xuất lúa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Huỳnh Hữu Trí cho rằng: “Bạc Liêu là một tỉnh thuần nông, hằng năm có tổng sản lượng lúa gần 1,2 triệu tấn, đóng góp cho mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Xác định “Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo” là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, nên tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, liên kết bao tiêu sản phẩm; ưu tiên các nguồn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp…”.

Bạc Liêu xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống các chiến lược, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và kết hợp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Đặc biệt là sản xuất lúa thuận thiên, hướng đến nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

MINH CHÂU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.