Tích cực phòng chống các loại sâu bệnh hại lúa

Thứ Sáu, 22/12/2017 | 15:00

Vào thời điểm này, nông dân trong tỉnh bắt đầu thu hoạch lúa. Song, còn gần 35.000ha lúa mùa, lúa thu đông, lúa trên đất tôm ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đang bị rầy nâu và các loại sâu bệnh phá hại.

Cán bộ Chi cục TT&BVTV tỉnh hướng dẫn nông dân xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi) cách phát hiện sâu bệnh trên lúa.

Nông dân đồng loạt phun thuốc phòng trừ rầy nâu. Ảnh: M.Đ

Do thời tiết diễn biến bất thường nên nhiều đồng lúa bị sâu bệnh phá hại. Trong đó có 19.400ha lúa bị nhiễm rầy nâu. Ngoài ra, có 9.212ha lúa bị bệnh cháy bìa lá, tỷ lệ bệnh từ 20 - 40%; 3.700ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, tỷ lệ từ 5 - 10%; 2.700ha lúa nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn, tỷ lệ bệnh từ 20 - 40%.

Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh kết hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức 26 cuộc hội thảo phòng trừ rầy nâu và các loại sâu bệnh cho gần 1.000 nông dân. Bên cạnh đó, chỉ đạo  Trạm TT&BVTV các huyện, thị, thành phố hướng dẫn nông dân kịp thời phòng trừ khi bệnh phát sinh.

Ngành chức năng lo ngại nhất là bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL), chúng lan truyền gián tiếp thông qua rầy nâu. Thời gian qua, đã có 76ha lúa bị nhiễm bệnh VL-LXL, tập trung ở huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi…, mức độ thiệt hại 10 - 15%. Ngành chức năng đã vận động nông dân xử lý triệt để, nhất là tiêu diệt rầy nâu để đối tượng này không mang mầm bệnh lây lan và phát tán trong thời gian tới.

Hiện nay, Chi cục TT&BVTV tỉnh đã phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn; vận động nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện rầy nâu và ra quân phòng trừ triệt để theo phương pháp “4 đúng”. Kỹ sư Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo: “Bà con cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện rầy nâu. Vì nếu rầy mang mầm bệnh VL-LXL sẽ ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ. Sau khi thu hoạch lúa, bà con cần xuống giống lúa đông xuân (vụ 2017 - 2018) theo đúng lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp tỉnh ban hành. Nếu  xuống giống đúng lịch thời vụ sẽ né được rầy nâu và hạn chế xâm nhập mặn ở cuối vụ”.

Minh Đạt

------------------------------------

Theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp, vụ lúa đông xuân năm 2017 - 2018, nông dân xuống giống chia làm 4 đợt.

* Lúa đông xuân sạ sớm chia làm 2 đợt

- Đợt 1 từ ngày 20 -  30/11/2017: Khu vực giáp ranh, cận vùng nuôi tôm huyện Hồng Dân.

- Đợt 2 từ ngày 10 - 20/12/2017: Khu vực vùng ngọt có đê bao của huyện Hồng Dân và một phần diện tích ở thị trấn Phước Long, xã Vĩnh Phú Tây, Vĩnh Phú Đông, Hưng Phú (huyện Phước Long).

* Lúa đông xuân chính vụ chia làm 2 đợt

- Đợt 1 từ ngày 20 - 30/12/2017: Khu vực giáp ranh, cận mặn ở các xã có một phần diện tích (cặp Quốc lộ 1A giáp vùng nuôi tôm) thuộc các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, TX. Giá Rai.

- Đợt 2 xuống giống tập trung từ ngày 5 - 15/1/2018: Khu vực có khả năng giữ ngọt và có điều kiện cung cấp nguồn nước ngọt bổ sung.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.