Tích cực chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới

Thứ Hai, 24/02/2025 | 15:24

Để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, sẵn sàng cho vụ nuôi mới, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh tiến hành cải tạo ao, đầm, duy tu sửa chữa đường dẫn nước, hệ thống xử lý nước, chất thải… với hy vọng có một vụ nuôi thành công, trúng giá.

Nông dân TP. Bạc Liêu lót bạt bờ ao nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: C.L

Tập trung cải tạo ao đầm

Từ sau tết Nguyên đán, người nuôi tôm ở vùng trọng điểm của tỉnh như: TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải, TX. Giá Rai… đã tập trung cải tạo, tu sửa lại ao đầm, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho vụ mới. Xác định việc cải tạo ao nuôi là khâu kỹ thuật quan trọng, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho tôm giống mới thả, hạn chế mầm bệnh tồn lưu trong ao nên khi thu hoạch xong các hộ đã chủ động tháo nước, diệt tạp khuẩn. Tại các địa phương, nông dân đã chủ động thực hiện nghiêm quy trình nuôi, tập trung nhân lực, vật lực, nạo vét, tu sửa, cải tạo ao đầm, xử lý môi trường nước trước khi bước vào vụ nuôi mới. Đồng thời, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, áp dụng quy trình VietGAP.

Những năm gần đây, người nuôi tôm luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không chỉ bởi chi phí nuôi tăng cao, giá tôm xuống thấp mà còn vì mầm bệnh trên tôm nuôi ngày càng lan rộng và khó kiểm soát. Nếu chỉ cải tạo qua loa như trước rồi tiến hành thả giống thì rất khó thành công, chính vì vậy mà công đoạn cải tạo ao đầm hiện nay được bà con nuôi tôm rất quan tâm và làm rất kỹ.

Có một điều nghịch lý là, tuy giá tôm liên tục biến động, dịch bệnh hoành hành, chi phí nuôi tăng cao… khiến nhiều hộ nuôi phải “treo” ao, chờ giá, thế nhưng các mặt hàng đầu vào phục vụ quy trình nuôi tôm thì lại liên tục điều chỉnh giá theo hướng tăng. Trong đó, tăng nhiều nhất là ống nhựa, sắt và bạt trải ao. Các mặt hàng này tăng trung bình từ 1.000 - 10.000 đồng so với những vụ nuôi trước. Bên cạnh đó, không chỉ khó tìm nhân công để phụ các việc như: dọn rửa ao nuôi, sên vét đường dẫn nước, vệ sinh ống oxy, kéo bạt…, mà giá cũng tăng lên từ 100.000 - 150.000 đồng/người/ngày.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu): “Sau mỗi vụ nuôi tôm, trong quá trình chăm sóc, lượng thức ăn dư thừa, chất thải và mầm bệnh lắng đọng tích tụ dưới đáy và bờ ao sẽ làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, nếu không cải tạo, xử lý kỹ thì rất dễ phát sinh dịch bệnh cho lứa tôm sau. Vì vậy, phải thuê thêm người để cải tạo ao nuôi. Cùng với đó là tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt các thiết bị cần thiết cho việc thả nuôi…”.

Hỗ trợ nông dân

Để giúp người nuôi tôm cải tạo đúng cách, kịp tiến độ thả nuôi theo lịch thời vụ và khuyến cáo của ngành, Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các địa phương trong tỉnh đã chủ động xuống cơ sở, hỗ trợ bà con. Đồng thời, hướng dẫn việc xử lý nước, bùn thải… phát sinh trong quá trình cải tạo để tránh gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong vùng nuôi. Song song đó, tiến hành đưa phương tiện cơ giới vào nạo vét các tuyến kênh dẫn nước chính, kênh nhánh… để đảm bảo việc điều tiết nguồn nước kịp thời, giúp việc cải tạo ao đầm của bà con được thuận lợi cũng như có nguồn nước tốt để dẫn vào ao xử lý, sẵn sàng cho vụ nuôi mới.

Cùng với kiểm tra các yếu tố môi trường, mầm bệnh thì công tác quản lý vật tư đầu vào phục vụ NTTS cũng được ngành Nông nghiệp chú trọng chỉ đạo. Trong đó, thực hiện kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất - kinh doanh, ương dưỡng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường; thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm dịch, chất lượng các lô tôm giống; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định. Mới đây, tại buổi làm việc với Công ty tôm giống Việc - Úc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến đã lưu ý: “Chất lượng tôm giống phải được đảm bảo thì mới nói đến chuyện nuôi như thế nào và nuôi thành công được. Vì vậy, Công ty tôm giống Việt - Úc cần phải tiếp tục nghiên cứu, lai tạo các mẫu tôm giống chất lượng để cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh, nuôi theo các tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường lớn… Có như vậy thì giá trị con tôm mới không ngừng được nâng cao, đời sống bà con nuôi tôm mới ngày một khấm khá”.

Ngoài ra, để vụ mới thành công, ngành chức năng cũng khuyến cáo người nuôi tôm cần tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi. Nhất là việc lựa chọn mua con giống ở địa chỉ uy tín, có chứng nhận kiểm dịch chất lượng của cơ quan chức năng. Nên ương dưỡng và sử dụng con giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm; tăng cường công tác quản lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh.

Đồng thời, lựa chọn thức ăn phù hợp với từng đối tượng nuôi, giai đoạn sinh trưởng; không sử dụng chất kích thích, hóa chất, kháng sinh cấm trong NTTS... Các hộ nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp nuôi thủy sản thâm canh, thâm canh công nghệ cao, hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Với sự chủ động trong việc chuẩn bị các điều kiện của người nuôi, sự sát sao trong công tác quản lý, hướng dẫn của ngành chuyên môn, hy vọng rằng vụ tôm tới đây, nông dân sẽ có một vụ nuôi thắng lợi. Qua đó từng bước khẳng định được vị thế trong việc nâng cao giá trị thu nhập và đời sống cho bà con, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp đề ra trong năm 2025.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.