Tạo sức bật cho sản phẩm OCOP

Thứ Hai, 13/03/2023 | 15:14

Thực hiện Quyết định 490 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định 250 về việc phê duyệt Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Sau khi Chương trình OCOP được phê duyệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 23 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo. Từ đó cho thấy, Chương trình OCOP có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo nên những sức bật cho “tam nông” phát triển.

Giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Hội chợ Công nghiệp - thương mại, du lịch và sản phẩm OCOP tỉnh  Bạc Liêu năm 2022. Ảnh: K.T

KHAI THÁC TỐT TIỀM NĂNG, LỢI THẾ

Tính đến nay, Bạc Liêu có hơn 100 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Một trong những kết quả đáng ghi nhận là thông qua việc thực hiện Chương trình OCOP đã khai thác, khơi dậy và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế từ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, từ chương trình này đã xây dựng nên những sản phẩm đặc trưng mang bản sắc và văn hóa Bạc Liêu. Đó là gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi, muối Bạc Liêu, khô Đông Hải và các loại mắm như: mắm chua Vĩnh Hưng, mắm cá trắm cỏ Hồng Dân, mắm cá chốt, mắm cá lóc Phước Long…

Cùng với đó là nhiều khu, điểm du lịch cũng được công nhận và đang xúc tiến xây dựng thành các sản phẩm OCOP du lịch đặc trưng riêng của tỉnh như: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu Quán âm Phật đài, Khu di tích lịch sử Trận Giồng Bốm, Khu di tích lịch sử Nọc Nạng, Nhà thờ Công giáo Tắc Sậy, các cánh đồng điện gió…

Ngoài ra, làng nghề truyền thống cũng đang được tập trung nâng chất để xây dựng thành các sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng…

Qua thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, sau khi tham gia chương trình và được công nhận, sản lượng sản phẩm OCOP được tiêu thụ của các chủ thể tăng lên trung bình từ 10 - 15% so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó, một số sản phẩm có sản lượng tiêu thụ tăng đến 50% (như sản phẩm tôm đất khô của cơ sở Thiên Hương - huyện Đông Hải) và một số sản phẩm đã vào được hệ thống các siêu thị trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Từ những lợi ích thiết thực của sản phẩm OCOP mang lại, một số chủ thể đã mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ và từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp thuần túy sang thương mại, dịch vụ và giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

SỨC CẠNH TRANH THẤP

Phải khẳng định rằng, Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng được xem là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, chương trình cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung giải quyết. Phần lớn các sản phẩm sản xuất theo phương thức thủ công, quy mô hộ gia đình, chất lượng sản phẩm chưa cao và sức cạnh tranh thấp. Số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhưng phần lớn mới chỉ đạt ở cấp độ 3 sao và các sản phẩm OCOP được công nhận chủ yếu là các sản phẩm được chế biến từ thủy hải sản. Trong khi đó, giá trị gia tăng từ các sản phẩm OCOP mang lại không nhiều và chưa tạo được đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến.

Mặt khác, việc tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP mới hiện nay và cả việc tái công nhận lại đã bắt đầu gặp khó khi một số chủ thể đã không còn tâm huyết với chương trình. Bởi ngoài yếu tố thị trường tiêu thụ không ổn định, việc các chủ thể phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để thực hiện các chi phí, thủ tục về công bố chất lượng cho sản phẩm còn gặp khó, nhất là các chủ thể sản xuất theo phương pháp truyền thống, quy mô nông hộ.

Những bất cập này đã làm cho bản thân Chương trình OCOP tạo ra “sức ỳ” khi nông dân bắt đầu có dấu hiệu “không mặn” với chương trình, cộng với sự ách tắc về thị trường tiêu thụ cũng kìm hãm sự phát triển sản xuất. Đơn cử như nhiều sản phẩm OCOP muốn sản xuất phải dựa vào mùa vụ hay phải lên kế hoạch sản xuất từ đầu. Do vậy, nếu không chủ động về đầu ra thì bản thân ngành quản lý cũng không dám khuyến khích nông dân phát triển, nhất là phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến các sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, nhận xét: “Xuất phát từ thế mạnh của một huyện thuần nông nên Hồng Dân có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm chế biến từ con cá thát lát. Thế nhưng, đầu ra cho sản phẩm này lại không ổn định và chủ yếu tiêu thụ trong huyện nên đến nay địa phương vẫn chưa dám chỉ đạo xây dựng quy hoạch cho vùng nguyên liệu để phát triển mạnh sản phẩm này”. Đây cũng chính là thực trạng mà đến nay nhiều xã NTM trong tỉnh vẫn chưa xây dựng được các sản phẩm OCOP.

Ngoài những nguyên nhân mang tính khách quan, thì việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua mang lại hiệu quả chưa cao là do chính quyền ở một số địa phương còn chưa xác định rõ được ý nghĩa, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Chương trình OCOP, dẫn đến quá trình triển khai thiếu sự quan tâm trong lãnh đạo và chỉ đạo. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hiện Chương trình OCOP còn có hạn chế nên công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể tham gia chưa thật sự hiệu quả. Đặc biệt là vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn mờ nhạt, chưa thể hiện rõ. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất còn thụ động trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên chưa nhiệt tình tham gia Chương trình OCOP…

Bên cạnh đó, cơ quan thực hiện Chương trình OCOP ở một số địa phương (Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế) trong quá trình triển khai thực hiện còn lúng túng, đôi lúc thiếu sự quan tâm (nhất là trong công tác tuyên truyền, tham mưu cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện). Cũng như Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện ở một số địa phương còn chưa hoạt động hết vai trò, nhiệm vụ của mình nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn qua loa, nhất là khâu chấm điểm sản phẩm còn cảm tính, chưa theo quy chế của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; việc hoàn thiện hồ sơ gửi về Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều lần…

Tất cả những hạn chế và bất cập này đã làm cho sản phẩm OCOP được công nhận và đang xúc tiến xây dựng mới dễ bị phá sản, thậm chí tồn tại trong thời gian ngắn do việc thẩm định, công nhận còn chạy theo thành tích, phong trào nhằm thỏa các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đồng thời, tạo nên những hệ lụy và tiền đề xấu trong việc khó vận động, khuyến khích các hộ nông dân hay doanh nghiệp khác tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cho giai đoạn tiếp theo.

KIM TRUNG

Bà Phan Thị Thu Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương: Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, giao thương hàng hóa

Thời gian qua, để hỗ trợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cụ thể như, tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; tổ chức và tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố; thực hiện Đề án phát triển thương mại điện tử (TMĐT) và quản lý, vận hành sàn giao dịch TMĐT; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất  - kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Trong năm 2022, đã có 29 chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn…

Cùng với đó là hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP xây dựng 10 website TMĐT để phục vụ hoạt động kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm OCOP qua hình thức trực tuyến.

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại do Sở Công thương tổ chức, phối hợp tổ chức đã tạo động lực để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, tăng doanh thu, lợi nhuận và ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn lúc nông nhàn. Một số thương hiệu sản phẩm OCOP của Bạc Liêu như: tôm nguyên con đông lạnh (tôm sú, thẻ chân trắng) của Công ty Tôm Việt; các sản phẩm chế biến từ tôm, mực, cá của Công ty TNHH MTV Thanh Phu; các sản phẩm chất lượng cao của Công ty Muối Bạc Liêu; tôm khô Đa Giàu; khô cá kèo Phương Thảo; bánh phồng tôm Ý Tám; bánh phồng tôm Nông sản Việt; chà bông tôm, tôm khô của HTX Thủy sản sạch Thành Đạt; các sản phẩm yến tinh chế của Yến sào Ngọc Minh, Yến sào Ninh Bình, Yến sào HI’NEST; tôm khô của cơ sở Thiên Hương; chả cá thát lát Hồng Nhanh; chả lụa Sơn Hà; nước mắm Thiên Phú. Các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp quốc gia như: Yến sào Mai, bánh đậu xanh Hương Sen; sản phẩm đạt công nghiệp thôn thôn cấp khu vực: Yến sào Ngọc Minh, muối của Công ty Muối Đông Hải hay các sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh: Cà phê Trung Hiền, chả cá thát lát 7 lãnh; tôm khô, cá khô của cơ sở Phương Nguyệt… đã có mặt tại các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, trên thị trường các vùng miền trong nước và xuất khẩu.

Phát huy kết quả này và góp phần quảng bá, thúc đẩy sản phẩm OCOP của tỉnh phát triển, năm 2023 này, Sở Công thương sẽ tăng cường tổ chức hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và các chuyến hàng lưu động về nông thôn. Đồng thời, phối hợp tham gia hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP. Đặc biệt, sẽ tổ chức một hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP tại tỉnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối cung - cầu, giao thương hàng hóa với các tỉnh Tây nguyên và miền Đông Nam Bộ, nhằm tạo ra những kênh tiêu thụ hàng hóa lớn và ổn định, trong đó có các sản phẩm OCOP. Cũng như, tham gia hội nghị giao thương kết nối cung - cầu tại TP. Hà Nội và tổ chức một hội nghị kết nối cung - cầu tại tỉnh, nhằm giúp các doanh nghiệp và các chủ thể sản phẩm OCOP tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tổ chức tập huấn kỹ năng TMĐT, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP…

Ông Đặng Minh Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: Góp phần tích cực vào tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Chương trình OCOP được xác định là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Qua 4 năm thực hiện, chương trình đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh và đạt được hiệu quả cao, tạo luồng gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, là hướng đi đúng, góp phần tích cực vào tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 108 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP (trong đó có 23 sản phẩm đạt 4 sao và 85 sản phẩm đạt 3 sao).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, cũng còn nhiều hạn chế như: phần lớn các sản phẩm OCOP sản xuất theo phương thức thủ công, chất lượng sản phẩm chưa cao, bao bì nhãn mác còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh…

Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình OCOP thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép tuyên truyền Chương trình OCOP với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM; rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt, đặc biệt phát triển sản phẩm OCOP ở các làng nghề truyền thống, như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Chương trình OCOP: “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện, người tiêu dùng không chỉ thưởng thức sản phẩm mà còn thưởng thức cả một câu chuyện mà sản phẩm đó thể hiện”.

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và chuyển đổi tư duy cho cán bộ quản lý và các chủ thể OCOP về kỹ năng tổ chức sản xuất; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; marketing và phát triển thị trường sản phẩm OCOP.

Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phát triển sản phẩm OCOP gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số, trong truyền thông; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát và quản lý sản phẩm OCOP; số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; đẩy mạnh quá trình số hóa, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển TMĐT cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn giao dịch TMĐT, các kênh bán hàng trực tuyến...

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.