Sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận thiên

Thứ Sáu, 29/03/2024 | 11:11

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức lớn nhất đối với ngành Nông nghiệp hiện nay, do đó việc sản xuất theo hướng thuận thiên nhằm giảm thiểu khí thải là một xu hướng tất yếu không thể đi ngược. Tuy nhiên, không chỉ có mô hình sản xuất thuận thiên mà các giải pháp công trình và phi công trình cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Nông dân tham quan mô hình lúa - tôm ở huyện Hồng Dân. Ảnh: M.Đ

Nhiều mô hình thích ứng

Theo Bộ NN&PTNT, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất của cả nước, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Là vùng có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về sản xuất nông nghiệp, so với cả nước sản lượng nông nghiệp của ĐBSCL trong những năm gần đây chiếm trên 50%; sản lượng lương thực xuất khẩu chiếm trên 90%, thủy sản và cây ăn trái trên 70%. Riêng tỉnh Bạc Liêu, với 3 sản phẩm chủ lực là tôm, lúa và muối, hằng năm, tỉnh đóng góp hơn 1,2 triệu tấn lúa, sản lượng thủy sản đứng hàng thứ 3 của cả nước, xuất khẩu năm 2023 đạt 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, ĐBSCL cũng đang đứng trước nhiều thách thức như thiếu nguồn nước ngọt ở thượng lưu sông Mê Công; tác động của BĐKH, nước biển dâng… dẫn đến phát triển không bền vững. Trước những diễn biến và thách thức đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, mở ra cơ hội cho các tỉnh, thành trong khu vực phát triển theo hướng thuận thiên. Trên thực tế, sản xuất thuận thiên đã đem lại hiệu quả thiết thực, có thể kể đến như mô hình lúa - tôm, mô hình tưới ướt khô xen kẽ… giúp nông dân tận dụng chế độ nước mặn, ngọt để canh tác nông nghiệp hiệu quả. Trong đó, mô hình tưới ướt khô xen kẽ lần đầu tiên được ngành Nông nghiệp tỉnh và Dự án GIZ triển khai thực hiện ở xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) vào năm 2019.

Có 4ha diện tích lúa áp dụng mô hình tưới ướt khô xen kẽ, ông Nguyễn Hoàng Hương (xã Vĩnh Hưng) cho biết: “Việc áp dụng mô hình tưới ướt khô xen kẽ vừa sử dụng tiết kiệm nước vừa giúp lúa cho năng suất cao đã giúp hạn chế những tác động tiêu cực do BĐKH, xâm nhập mặn. Tôi thấy mô hình này rất hiệu quả, giúp cây lúa cứng cáp, ít bị đổ ngã cũng như giảm chi phí sản xuất”. Không chỉ áp dụng cho cánh đồng của gia đình, ông Hương còn hướng dẫn nông dân lân cận thực hiện các kỹ thuật của mô hình sản xuất này.

Ngoài các mô hình đã được chứng thực hiệu quả trong thực tế, ngành Nông nghiệp đã và đang ứng dụng chuyển đổi số, triển khai các mô hình giảm phát thải, tuần hoàn nước…

Thực hiện công trình sên vét kênh thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

Trong xu thế chung, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã chủ động thích ứng với BĐKH, coi nguồn nước mặn, nước lợ là tài nguyên cho phát triển nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, mô hình nông nghiệp thông minh…

Trên tinh thần chủ động, linh hoạt thích ứng, nông dân ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng đã từng bước áp dụng các mô hình nông nghiệp tích hợp “đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi trên cùng diện tích”. Điển hình là chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang mô hình tôm - lúa. Anh Nông Văn Thạch - Giám đốc Hợp tác xã Ba Đình (huyện Hồng Dân), cho biết: “Tôm - lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên. Mô hình này đã giúp các thành viên Hợp tác xã Ba Đình tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Để sản xuất thuận thiên đạt hiệu quả thì điều kiện cần là những giải pháp công trình, phi công trình để hỗ trợ thực hiện. Tỉnh Bạc Liêu đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, vì vậy rất cần được đầu tư các hạng mục công trình để bảo vệ sinh kế người dân. Đồng thời cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù để vùng bán đảo Cà Mau nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH. Cụ thể là có những giải pháp kinh tế, kỹ thuật, tài chính… nhằm nhân rộng mô hình, giải pháp nông nghiệp thuận thiên. Chú trọng các giải pháp kết hợp hài hòa đồng bộ giữa công trình và phi công trình nhằm thích nghi theo điều kiện tự nhiên. Có cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân lựa chọn, phát triển các mô hình thuận thiên để sản xuất. Cũng như hỗ trợ thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Hiện nay BĐKH đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân. Để thích ứng với BĐKH thì cần sản xuất nông nghiệp thuận thiên nhưng phải an toàn hiệu quả, khổng thả nổi cho tự nhiên. Cùng với các mô hình sản xuất bền vững, rất cần các giải pháp công trình và phi công trình để bảo vệ sinh kế người dân. Từ đó từng bước thích nghi một cách hài hòa giữa con người và tự nhiên”.

Minh Đạt

Phát biểu tại Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL diễn ra tại tỉnh Cà Mau mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan khẳng định: Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái. Tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc cải thiện sinh kế cho nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; thích ứng với BĐKH. Đồng thời bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hướng sản xuất đến tái tạo và phục hồi thiên nhiên; nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả và bền vững.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.