Sản xuất nông nghiệp: Đối mặt với khó khăn

Thứ Ba, 04/07/2017 | 15:05

So với cùng kỳ năm 2016, sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017 gặp nhiều khó khăn. Mặc dù lĩnh vực sản xuất được duy trì và tiếp tục tăng trưởng, nhưng do bị tác động tiêu cực bởi thời tiết, thị trường tiêu thụ nên sản xuất thiếu bền vững và đẩy nhiều hộ nông dân vào cảnh thua lỗ.

Sản xuất được duy trì

Xác định những khó khăn do ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu, vì vậy, từ đầu năm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác phát triển sản xuất. Trong 6 tháng qua, tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản hơn 146.300 tấn, đạt 45,61% kế hoạch. Trong đó, nuôi trồng thủy sản được tỉnh tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn với tổng diện tích nuôi trồng hơn 120.000ha. Các mô hình nuôi trồng không ngừng được nâng cấp, bổ sung và đầu tư, áp dụng khoa học - công nghệ mới. Đơn cử như mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh cho doanh thu 2,7 tỷ đồng/ha/vụ, chi phí 2,1 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận bình quân 600 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp cho doanh thu 30 triệu đồng/ha, chi phí 15 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi cá kèo thâm canh cho doanh thu 700 triệu đồng/ha, chi phí 400 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha...

* Nông dân huyện Phước Long thu hoạch tôm càng xanh trên đất lúa.

* Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa đông xuân 2017. Ảnh: T.A

Cùng với các mô hình trên, các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn của tỉnh đã và đang tiếp tục đầu tư mở rộng và phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Công ty TNHH MTV Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) có 10ha nuôi tôm đang thu hoạch; Chi nhánh Công ty Cổ phần Việt Úc Bạc Liêu (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) có tổng diện tích khu nuôi tôm trên 315ha (đang xây dựng 8 trại, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2017); Chi nhánh Công ty Cổ phần Việt Úc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) có 52ha nuôi tôm; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) có 20ha nuôi tôm, trong đó có 6ha nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà lưới, năng suất bình quân 40 tấn/ha/vụ…

Đặc biệt, trong tháng 6/2017, Bạc Liêu đã triển khai thực hiện Quyết định số 694/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đây được xem là động lực cho tỉnh phát triển mạnh nghề nuôi tôm và trở thành trung tâm nuôi tôm công nghiệp của cả nước.

Đối với cây lúa, cùng với tập trung chỉ đạo sản xuất, thu hoạch lúa đông xuân và xuống giống vụ hè thu, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh tiếp tục liên kết với doanh nghiệp duy trì 9 cánh đồng lớn trên cây lúa với tổng diện tích canh tác gần 2.680ha. Đồng thời thực hiện liên kết sản xuất với các doanh nghiệp bao tiêu hơn 8.480ha lúa đông xuân cho nông dân (với tổng sản lượng hơn 53.900 tấn), gồm các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc; Công ty Cổ phần Quốc tế Gia; Công ty Thuận Minh; Công ty Hiếu Nhân; Công ty Lương thực Bạc Liêu; Hợp tác xã Vĩnh Cường…

 ...NhƯng vẫn gặp nhiều khó khăn

Trong 6 tháng qua, do thời tiết diễn biến không thuận lợi, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao làm cho các yếu tố môi trường biến động, gây bất lợi cho sản xuất và làm hơn 2.780ha tôm nuôi bị thiệt hại. Một số địa phương do thiếu nước nuôi tôm sú nên phải chuyển sang nuôi tôm càng xanh với diện tích khoảng 4.100ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Lộc Ninh, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân).

Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất tôm giống gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, nguồn nước, chất lượng tôm bố mẹ… Từ đó làm cho chất lượng tôm giống không đồng đều; con giống được các cơ sở nhập từ các tỉnh miền Trung để ương và bán lại với giá tương đối cao...

Mưa lớn cũng đã làm hơn 2.410ha lúa hè thu gieo sạ từ 10 - 25 ngày tuổi bị ngập úng; dịch hại và sâu bệnh tiếp tục phá hại lúa với tổng diện tích nhiễm sâu bệnh trên lúa cần phòng trừ là 72.422ha.

Cùng với đó, giá heo hơi giảm mạnh và thấp hơn giá thành sản xuất từ 8.000 - 11.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Từ đó dẫn đến nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi không chú trọng chăm sóc đàn heo, không tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nên nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh trên đàn heo trong thời gian tới là rất cao...

Những khó khăn và bất cập trên đã và đang được UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo, có giải pháp tháo gỡ nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp trong năm 2017.

Tú Anh

Trong 6 tháng cuối năm 2017, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng bền vững, hiệu quả (giai đoạn 2016 - 2020) và Quyết định số 745/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 03. Đồng thời, triển khai thực hiện Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp và Quyết định số 1291/QĐ-BNN-KH của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động liên kết phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ lập Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước và tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản năm 2017...

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.