Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Sẵn sàng cho vụ lúa - tôm mới
Lúa - tôm, mô hình sản xuất được các nhà khoa học và ngành Nông nghiệp khẳng định là bền vững nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, vừa thân thiện với môi trường vừa mang lại giá trị kinh tế bền vững và đang được tỉnh khuyến khích nhân rộng. Hiện nông dân trong tỉnh đã chuẩn bị sãn sàng mọi điều kiện để xuống giống lúa - tôm đúng lịch thời vụ.
Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình lúa - tôm ở xã Phong Thạnh A (TX. Giá Rai). Ảnh: M.Đ
Nông dân trúng mùa, trúng giá
Vụ lúa - tôm 2023 - 2024, toàn tỉnh xuống giống hơn 46.800ha lúa trên đất tôm, năng suất bình quân 6,26 tấn/ha, sản lượng gần 293.400 tấn, đạt trên 107% kế hoạch và tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Riêng TX. Giá Rai, năm 2023 - 2024 diện tích xuống giống lúa trên đất tôm được hơn 7.000ha, đạt hơn 100% kế hoạch. Cơ cấu giống lúa chủ yếu là OM 2517, OM 5451, Một bụi đỏ, ST24... với năng suất đạt gần 5,6 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 39.000 tấn. Lúa trúng mùa, trúng giá nên nông dân rất phấn khởi. Đặc biệt đối với xã Phong Tân và xã Phong Thạnh Đông, nhiều hộ sản xuất thu hoạch lúa năng suất đạt từ 7 - 7,5 tấn/ha, trừ chi phí lợi nhuận đạt 75 - 85 triệu đồng/ha. Ông Lương Văn Út (ấp 18, xã Phong Thạnh A) cho biết: "Hơn 12 năm qua, tôi áp dụng sản xuất mô hình lúa - tôm đều đạt hiệu quả kinh tế với lợi nhuận đạt từ 100 - 120 triệu đồng/ha. Từ khi gia đình tôi và bà con nông dân trong xã sản xuất mô hình lúa - tôm thì kinh tế ổn định hơn, đời sống được cải thiện hơn trước”.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình lúa - tôm, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, ô đê bao khép kín tại nhiều vùng để chủ động điều tiết nước, ngăn mặn, trữ ngọt. Tại xã Phong Thạnh A (TX. Giá Rai), tỉnh đã đầu tư hơn 114 tỷ đồng xây dựng ô đê bao với 21 cống, khép kín 3.000ha đất sản xuất đang thực hiện mô hình lúa - tôm. Nhờ vậy, nông dân yên tâm sản xuất, thực hiện mô hình ngày càng hiệu quả.
Mô hình lúa - tôm còn được áp dụng sản xuất nhiều ở các huyện Phước Long, Hồng Dân. Cụ thể, vụ lúa - tôm năm 2023 - 2024, huyện Phước Long sản xuất trên diện tích hơn 15.000ha và huyện Hồng Dân với 24.775ha. Năng suất lúa đạt từ 6 tấn/ha trở lên.
Do vụ lúa - tôm 2023 - 2024 trúng mùa, trúng giá nên khả năng năm nay, nông dân các địa phương trong tỉnh sẽ mở rộng diện tích sản xuất. Đến thời điểm này, bà con nông dân đã sẵn sàng các điều kiện để xuống vụ lúa - tôm năm 2024 - 2025.
Đã hoàn tất các điều kiện xuống giống
Theo đó, đến thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh đã rửa mặn xong, đang tiến hành phơi đất để xuống giống lúa - tôm. Kế hoạch năm 2024 - 2025, toàn tỉnh sẽ xuống giống gần 46.300ha diện tích lúa - tôm. Trong đó, huyện Phước Long xây dựng kế hoạch xuống giống 15.500ha sản xuất mô hình lúa - tôm. Đến thời điểm này, do thời tiết thuận lợi, lượng mưa khá nên nông dân trong huyện đã cải tạo đất và rửa mặn sớm. Ở các xã Vĩnh Phú Tây, Phước Long, Phong Thạnh Tây A, nông dân bắt đầu xuống giống lúa Một bụi đỏ. Ông Trương Phước Hiền - Phó Phòng NN&PTNT huyện Phước Long cho biết: “Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp thì các hộ sản xuất lúa Một bụi đỏ gieo sạ sớm, còn các giống ngắn ngày sẽ xuống giống từ ngày 15 - 30/9. Do vụ lúa - tôm năm ngoái nông dân trúng mùa, trúng giá nên năm nay khả năng diện tích lúa - tôm được nông dân mở rộng, tăng khoảng 500ha so với năm ngoái”.
Vụ lúa - tôm năm 2024 - 2025, huyện Hồng Dân dự kiến xuống giống 24.775ha. Tuy nhiên theo ông Sử An Bình - Phó Phòng NN&PTNT huyện thì huyện cũng khuyến khích nông dân mở rộng diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, tập trung chủ yếu ở vùng chuyên tôm gần 2.000ha tại xã Ninh Thạnh Lợi A.
Riêng với TX. Giá Rai, ngành Nông nghiệp địa phương tiếp tục khuyến khích duy trì diện tích sản xuất lúa - tôm là 7.000ha. Các giống lúa được khuyến cáo nông dân sản xuất là giống BL9, ST24 và Một bụi đỏ… Trong đó, giống lúa BL9 được sản xuất 300ha ở 4 xã: Phong Thạnh Tây, Tân Phong, Tân Thạnh và Phong Thạnh. Phòng Kinh tế huyện tuyên truyền, khuyến cáo nông dân sản xuất giống lúa - tôm đúng lịch thời vụ; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng lúa kết hợp với nuôi các loài thủy sản khác nhằm tăng thu nhập cho nông dân trên cùng diện tích. Thị xã cũng tăng cường công tác mời gọi doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm lúa, tôm.
Ông Đỗ Minh Thắng - Chủ tịch UBND TX. Giá Rai, cho rằng: Mô hình canh tác lúa - tôm rất thân thiện môi trường; dễ áp dụng, giảm sử dụng hóa chất trong sản xuất lúa nên ít gây hại đến môi trường tự nhiên. Mô hình này không chỉ sản xuất ra sản phẩm lúa sạch và tôm sạch mà còn có thể tận dụng để xen canh các loại cây trồng, thủy sản khác. Vì vậy, đây là mô hình hiệu quả, phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, vụ lúa - tôm năm 2024 - 2025, nông dân gieo sạ giống lúa Một bụi đỏ thì xuống giống từ ngày 1 - 15/9. Còn sản xuất các giống lúa ngắn ngày như BL9, ST24, Đài thơm 8... thì xuống giống từ ngày 15 - 30/9/2024.
Minh Đạt
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam