Quản lý quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp: Khi nông dân tự ý “phá rào”!?

Thứ Hai, 27/11/2017 | 16:46

Quy hoạch sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững. Thế nhưng, việc quản lý quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp lâu nay vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng nông dân lén lút phá vỡ quy hoạch làm ảnh hưởng đến lợi ích chung đã và đang trở thành rào cản trong việc xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Ao nuôi tôm công nghiệp của ông Nguyễn Văn Dũng chỉ cách ruộng lúa một bờ bao (ảnh trên) và được bao quanh che kín bằng tôn (ảnh dưới). Ảnh: C.L

Nuôi tôm trong vùng chuyên lúa

Để sản xuất nông nghiệp phát triển và gắn với điều kiện sinh thái đặc thù, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều quy hoạch như: quy hoạch quản lý đất đai, quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng… Qua đó làm cơ sở đầu tư, phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Tuy nhiên, tình trạng nông dân “xé rào” và bất chấp quy hoạch đang trở thành vấn đề làm đau đầu ngành quản lý hiện nay.

Đơn cử như trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Dũng (ấp Tràm I, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình). Ông Dũng tự ý chuyển đổi đất vườn tạp sang nuôi tôm (nằm trong vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa của huyện) diễn ra gần 2 năm qua, vậy mà chính quyền địa phương và ngành quản lý không hề hay biết!? Đến khi người dân lên tận Sở NN&PTNT, Sở TN-MT để phản ánh vụ việc và sau khi nhận được công văn (số 122, ngày 6/2/2017) của Sở TN-MT gửi UBND huyện Hòa Bình đề nghị xác minh và xử lý trường hợp trên thì huyện mới vào cuộc.

Theo phản ánh của người dân ấp Tràm I, hộ ông Dũng đã tự ý chuyển đổi ao nuôi cá (khoảng 500m2) gần nhà sang nuôi tôm. Để có nước mặn nuôi tôm, ông Dũng mua gần 4 tấn muối đen đổ vào ao. Sau 3 tháng thả nuôi, tôm đạt trọng lượng hơn 60 con/kg và ông Dũng thu hoạch được 700kg. Tiếp đó, ông Dũng cho xe cơ giới vào san ủi thêm một ao (khoảng 700m2) để nuôi tiếp 2 vụ nhưng không thành công.

Để “che mắt” người dân địa phương và các cơ quan quản lý, ông Dũng cho dựng tôn bao quanh ao nuôi. Việc tự ý chuyển đổi đất vườn tạp sang nuôi tôm, tạo nước mặn để nuôi tôm của ông Dũng khiến  nhiều nông dân lân cận không khỏi lo lắng khi ao nuôi của ông Dũng chỉ cách ruộng lúa của họ một bờ bao. Bởi, lượng nước mặn rò rỉ từ vuông tôm lấn sang ruộng lúa là điều khó tránh khỏi.

Hôm chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Dũng để tìm hiểu nguyên nhân thì ông đi vắng, bà Dương Thanh Nhanh (vợ ông Dũng) cho biết: “Chồng tôi (ông Dũng) thấy người ta nuôi tôm trúng nên làm theo chứ đâu biết là vi phạm (?!). Từ khi chính quyền xã đến làm việc là chồng tôi nghỉ nuôi luôn. Gia đình tôi định sử dụng ao chứa nước mưa nuôi cá”.

Khó xử lý

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND huyện Hòa Bình có công văn chỉ đạo Phòng TN-MT phối hợp với Phòng NN&PTNT cùng với UBND xã Minh Diệu đến gặp hộ ông Nguyễn Văn Dũng để xử lý vụ việc. Tại đây, đại diện của hai phòng chuyên môn gặp lúng túng trong việc xử lý. Bởi, việc quản lý sản xuất thuộc chuyên môn của Phòng NN&PTNT; còn quản lý đất đai, sử dụng đất canh tác không đúng mục đích thì thuộc thẩm quyền của Phòng TN-MT! Mặt khác, do ông Dũng chuyển đổi đất vườn tạp sang nuôi tôm chứ không phải đất trồng lúa nên chỉ bị phạt hành chính và yêu cầu ông Dũng san lấp đất, trả lại hiện trạng ban đầu.

Theo báo cáo của Phòng TN-MT gửi UBND huyện là “Thực tế hộ ông Dũng chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản chứ không phải như báo cáo của Sở NN&PTNT về việc tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm. Phòng TN-MT đã rà soát Nghị định số 102/2004/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và không có điều khoản quy định xử phạt hành chính đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang nuôi trồng thủy sản…”. Qua đó cho thấy, quy định xử lý việc phá vỡ quy hoạch sản xuất vẫn chưa “đủ nặng” và còn nhiều lỗ hổng gây khó khăn cho công tác quản lý.

Tác hại của việc gây mặn trong vùng chuyên lúa sẽ tạo những hệ lụy và có tác động mang tính dây chuyền nếu như không được xử lý nghiêm. Đó là trường hợp các hộ nông dân mua muối về đổ trong ruộng (theo cách làm của ông Dũng) để bỏ lúa nuôi tôm”, làm cho vùng ngọt ổn định chuyên lúa sẽ bị mặn hóa, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của hệ sinh thái cả vùng ngọt. Đó là chưa nói đến phá vỡ quy hoạch sẽ gây nhiều khó khăn trong việc vận hành thủy lợi khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan.

Thực tiễn từ sản xuất nông nghiệp ở Bạc Liêu cho thấy, nông dân nhiều nơi phải trắng tay vì tự phá vỡ quy hoạch và sản xuất theo kiểu tự phát. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ chuyện phá lúa trồng cây tràm ở các xã vùng ngọt của huyện Hồng Dân và Phước Long, rồi khi cây tràm mất giá, nông dân lại phải chặt bỏ để nuôi tôm. Khi nuôi tôm thất bại, nông dân lại muốn quay sang trồng lại cây lúa, nhưng khổ nỗi cây lúa không thể trồng được vì đất đã nhiễm mặn!?

Nông dân không tuân thủ quy hoạch sản xuất sẽ kìm hãm sự phát triển và tạo nên những lực cản trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Vì sản xuất theo kiểu tự phát sẽ khó hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, đồng thời khó thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên kết hợp tác với nông dân, làm ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.

Chí Dũng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.