Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Phát triển rừng ứng phó với biến đổi khí hậu
Trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), trồng rừng được xác định là biện pháp hữu hiệu để giữ gìn môi trường, phòng tránh thiên tai và hỗ trợ tăng sinh kế cho người dân. Do đó, tỉnh đã và đang tranh thủ các nguồn vốn, dự án tăng cường khả năng chống chịu trước BĐKH ở vùng ven biển và thông qua phục hồi rừng.
Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh kiểm tra cây đước giống trước khi đưa đi trồng.
NỖ LỰC PHỤC HỒI RỪNG
Bạc Liêu hiện có 7.778ha rừng, trong đó hơn 4.550ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển, giúp địa phương nâng cao năng lực bảo vệ vững chắc 56km bờ biển trước những tác động bất lợi của BĐKH, nước biển dâng, xói lở hằng năm.
Những năm gần đây, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần ứng phó với BĐKH, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ của tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do môi trường sinh thái rừng đang phải chịu tác động thường xuyên và mạnh mẽ bởi nước biển dâng, xói lở bờ biển. Đáng chú ý, tình trạng sạt lở bờ biển do sóng to và gió lớn gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng tại một số khu vực ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu); xã Long Điền Tây, thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải)…
Ông Lê Chí Linh - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh, cho biết: Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các văn bản về Luật Lâm nghiệp, nghị định, thông tư về quản lý và bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản đến các gia đình, cá nhân nhận khoán, các hộ sống ven rừng. Đồng thời, đơn vị thường xuyên tuần tra kiểm soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng phòng hộ ven biển…
Đặc biệt, Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh trồng rừng; đánh giá các mô hình nông - lâm kết hợp để nhân rộng ra một số xã ven biển, tạo sinh kế cho người dân. Mặt khác, đơn vị cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng rừng, nuôi trồng thủy sản kết hợp, xây dựng mô hình trình diễn lâm - ngư kết hợp. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, ứng phó hiệu quả với các yếu tố cực đoan của BĐKH, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Cán bộ kiểm lâm tham gia trồng rừng ven biển.
TRỒNG RỪNG ỨNG PHÓ VỚI BĐKH
Với mục tiêu giải quyết tình trạng thu hẹp diện tích rừng phòng hộ ven biển bằng cách khôi phục rừng ngập mặn, Bạc Liêu đã và đang triển khai chương trình trồng rừng năm 2024 tại các xã ven biển. Cụ thể là chương trình trồng cây “Sống khỏe, góp xanh cùng Panasonic” năm 2024, do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) phối hợp với Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Sở NN&PTNT Bạc Liêu, Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh thực hiện. Đây là chương trình được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố nhằm tăng độ che phủ trên diện tích đất lâm nghiệp, nâng cao khả năng phòng hộ, ứng phó với BĐKH, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26.
Theo đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh trồng hơn 75.000 cây đước tại các xã ven biển của huyện Đông Hải - địa phương có 23km bờ biển với 2 cửa sông lớn là Cái Cùng và Gành Hào. Nơi trồng rừng là khu vực chịu ảnh hưởng của thủy triều biển Đông, mực nước cao nhất +2,18m, thấp nhất -2,12m. Toàn bộ khu vực trồng rừng có chế độ thủy văn phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của loài cây rừng ngập mặn, nhất là cây đước.
Ngoài ra, thông qua Tổ chức IUCN-VN thực hiện Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long thông qua phục hồi rừng ngập mặn và các giải pháp dựa vào thiên nhiên”, Bạc Liêu cũng đang khắc phục tình trạng thu hẹp rừng phòng hộ ven biển bằng cách khôi phục rừng ngập mặn phía trong đê biển Đông.
Trước tình hình BĐKH ngày càng phức tạp, Sở NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng nhằm nâng cao độ che phủ của rừng, gia tăng chức năng phòng hộ, chắn gió, chắn sóng, chống xói lở ven biển, góp phần ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và bảo vệ người dân sống ven biển. Mặt khác, rừng ngập mặn còn giúp bồi tạo lấn biển, gia tăng diện tích đất liền, nên việc trồng rừng không chỉ là một trong những giải pháp giảm tác động của BĐKH, mà còn góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân ở các huyện ven biển.
Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển ngày càng được các ngành, địa phương và cộng đồng xã hội quan tâm. Thông qua đó, góp phần ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, bảo vệ hệ thống đê biển, chống sạt lở bờ biển, giúp các địa phương ven biển phát triển bền vững.
MINH ĐẠT
- Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông
- Đại biểu HĐND tỉnh và TP. Bạc Liêu tiếp xúc cử tri Phường 7 và 8
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh và huyện Phước Long tiếp xúc cử tri xã Vĩnh Phú Tây
- Ông Phạm Hoàng Minh tiếp tục giữ chức Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu
- LĐLĐ tỉnh: Triển khai hướng dẫn xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa