Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Cần quyết liệt và đồng bộ

Thứ Hai, 07/11/2022 | 16:08

Để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng nông - thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 885 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020 - 2030. Tích cực thực hiện đề án này, Bạc Liêu bước đầu đã xây dựng được những mô hình sản xuất hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nông dân huyện Phước Long áp dụng Chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” trên vụ lúa - tôm.

XU THẾ TẤT YẾU

Hiện nay, phát triển NNHC là xu thế tất yếu của hội nhập và phát triển kinh tế toàn cầu. Đối với tỉnh Bạc Liêu, việc định hướng, thúc đẩy phát triển NNHC được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng, đến nay Bạc Liêu vẫn chưa có quy trình sản xuất hữu cơ cụ thể để khuyến khích, nhân rộng cho nông dân, mà chủ yếu chỉ là những hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, hoặc sản xuất sản phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng về thủy lợi, điện, giao thông… chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu cho sản xuất NNHC. Đặc biệt là đến nay vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển NNHC để làm cơ sở định hướng, cụ thể hóa các vùng chuyên canh và giúp các địa phương xây dựng kế hoạch cho phát triển NNHC.

Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, nhằm hạn chế sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất, chất kích thích tăng trưởng, các loại phân bón vô cơ, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường… Đơn cử như, đối với nuôi thủy sản, khuyến khích và vận động nông dân sử dụng men vi sinh để quản lý môi trường, sử dụng con giống sạch bệnh, thả nuôi mật độ phù hợp và thả xen ghép các đối tượng cá để xử lý nước. Còn với cây lúa, vận động nông dân sử dụng các giống lúa cấp xác nhận có chất lượng gạo tốt, năng suất cao để canh tác. Đồng thời, áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng nguồn phân bón hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh gây hại... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường và an toàn cho người tiêu dùng.

Nỗ lực phát triển NNHC, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang tích cực triển khai thực hiện 2 nhóm mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Đối với lĩnh vực trồng trọt, đã thực hiện mô hình “Xây dựng tổ chức cộng đồng thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) canh tác lúa thông minh theo hướng hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm” trên diện tích 300ha (sử dụng giống lúa xác nhận, bổ sung phân hữu cơ, thuốc vi sinh...). Lợi nhuận mang lại từ mô hình cao hơn từ 20,3 - 22,4 triệu đồng/ha so với canh tác thông thường. Ưu điểm của hình thức canh tác này chính là giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV hóa học, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV vi sinh đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị chất lượng lúa gạo. Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa bổ sung phân hữu cơ, giảm phân vô cơ tại huyện Hòa Bình cho vùng chuyên sản xuất lúa 2 - 3 vụ/năm. Hiệu quả của mô hình này đã giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân vô cơ từ 10 - 15% và 2 lần phun thuốc BVTV/vụ lúa. Cũng như bổ sung phân bón hữu cơ, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc vi sinh giúp tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn. Đáng phấn khởi là lợi nhuận tăng thêm trên 190 triệu đồng/ha và sản phẩm đầu ra được thương lái bao tiêu với giá cao.

Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch lúa chất lượng cao được sản xuất theo quy trình bổ sung phân hữu cơ.

TẠO THÊM SỨC BẬT

Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tuy mới triển khai chưa lâu, nhưng những kết quả bước đầu mang lại được xem là những đột phá và tạo nên những tiền đề quan trọng trong thực hiện thắng lợi Đề án phát triển NNHC.

Điển hình cho đột phá này chính là việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản sinh thái, bền vững hướng đến hữu cơ. Đó là mô hình nuôi thủy sản kết hợp với rừng ngập mặn ven biển, nuôi quảng canh cải tiến kết hợp với diện tích gần 75.000ha và mô hình tôm - lúa khoảng 40.000ha. Các mô hình nuôi này đã khẳng định được tính bền vững, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Trong đó, mô hình tôm - lúa được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về tính bền vững, lợi nhuận cao hơn từ 15 - 30% so với độc canh cây lúa.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các doanh nghiệp xuất khẩu tham quan thu hoạch tôm sạch tại huyện Hồng Dân. Ảnh: L.D

Đóng góp cho thành công trên, cùng với sự quyết liệt, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp, còn có sự đồng hành của các doanh nghiệp thông qua việc cung cấp và hướng dẫn nông dân sản xuất sản phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường.

Nhìn trên tổng thể thì việc phát triển NNHC của tỉnh vẫn cần tập trung quyết liệt và đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, cùng với tăng cường đầu tư cho phát triển hạ tầng, cần làm ngay quy hoạch với chức năng là “kim chỉ nam” và đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi tập quán sản xuất và cả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Đề án phát triển NNHC.

KIM  TRUNG

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Đẩy mạnh phát triển NNHC và có chiến lược thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đề án phát triển NNHC trên cơ sở phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp như: Tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện… cho các tiểu vùng sản xuất theo hướng ô đê bao khép kín. Trong đó, ưu tiên các khu vực đê bao vừa và nhỏ, kết hợp duy tu, nâng cấp hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện, nạo vét các kênh mương nội đồng để đảm bảo cấp, thoát nước và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt, kịp thời cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…

Tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, từng bước phát triển thương hiệu sản phẩm tôm - lúa và triển khai các thủ tục sớm công nhận lưu hành giống lúa thơm mới Bạc Liêu 413. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các giống lúa chất lượng cao, chịu phèn, mặn, có tính kháng sâu bệnh tốt (như ST24, ST25) tại địa phương, nhằm sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với triển khai cấp mã số vùng trồng, cơ sở nuôi để thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, nhằm triển khai nuôi tôm thông minh thông qua an toàn sinh học và công nghệ số. Hỗ trợ thành lập, củng cố, nâng cấp các HTX để có đủ năng lực tổ chức quản lý sản xuất bền vững, hiệu quả. Tập trung nâng cao năng lực tài chính của các THT, HTX thông qua việc tham mưu chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương theo quy định. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh phát triển NNHC và có chiến lược thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển.

Tăng cường hỗ trợ tư vấn, thúc đẩy liên kết các chuỗi giá trị sản xuất, nhất là chuỗi giá trị lúa thơm - tôm sạch thông qua việc cụ thể hóa Nghị định 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định 109 của Chính phủ về phát triển NNHC, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Trước mắt, ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện và hướng dẫn nông dân áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ… 

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Trần Văn Liêm: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ

Để thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển NNHC và xứng đáng là trung tâm kinh tế của vùng Bắc Quốc lộ 1A, huyện Phước Long đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ và ưu tiên lựa chọn những mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các loại sản phẩm vô cơ, chất kích thích tăng trưởng... Đồng thời, khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh, thuốc sinh học.

Đến nay, huyện Phước Long đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển theo hướng hữu cơ. Về cây lúa, huyện đã khuyến khích nông dân sử dụng các giống lúa cấp xác nhận có chất lượng gạo tốt, năng suất cao để canh tác và sử dụng nguồn phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh gây hại, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường và an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với mô hình sản xuất lúa - tôm, huyện đã tập trung chỉ đạo nhân rộng canh tác giống lúa ST24, ST25 theo hướng hữu cơ đạt chất lượng và nâng cao giá trị của sản phẩm. Đồng thời, huyện đã mời gọi các công ty, doanh nghiệp lớn có uy tín như: Công ty ADC, Tập đoàn Lộc Trời, Quốc Tế Gia… tham gia sản xuất và gắn với tiêu thụ lúa cho người dân cao hơn giá thị trường từ 400 - 1.200 đồng/kg lúa, giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Về rau màu, huyện cũng đã chỉ đạo sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu của sản phẩm đến người tiêu dùng. Đến nay, mô hình trồng bắp nếp, rau cần nước, rau má theo hướng hữu cơ, an toàn với tổng diện tích trên 150ha. Riêng rau cần nước, bắp nếp đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Đối với nuôi tôm sú, huyện chỉ đạo, hướng dẫn người dân nuôi theo hướng hữu cơ kết hợp cua, cá, trồng lúa, nuôi xen tôm càng xanh. Trong quá trình nuôi tôm không có sử dụng kháng sinh, hóa chất nên chất lượng tôm nuôi được đảm bảo.

Nhằm nhân rộng mô hình NNHC, huyện đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian tới như sau:

Thứ nhất là quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cho từng tiểu vùng sản xuất trên địa bàn huyện để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo mô hình NNHC, thu hút được các dự án đầu tư trong, ngoài tỉnh liên kết, hợp tác bao tiêu sản phẩm với nông dân.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người nông dân về nông nghiệp sạch, xem sản xuất NNHC là việc làm tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm sạch và đảm bảo về thị trường tiêu thụ, hướng đến phát triển bền vững.

Cùng với đó là định hướng nông dân vào sản xuất tập trung thông qua các mô hình hợp tác, HTX và liên kết chuỗi giá trị, tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Tiếp tục hỗ trợ, xây dựng các mô hình, chương trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nhằm gia tăng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học, chế phẩm công nghệ nano trong canh tác, tiến tới xây dựng NNHC tiết kiệm, an toàn hiệu quả và bền vững.

Để góp phần thực hiện tốt các giải pháp trên, huyện đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống ô đê bao khép kín, duy tu, nâng cấp trạm bơm điện, nạo vét các kênh thủy lợi, kênh mương nội đồng để đảm bảo cấp, thoát nước và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt, kịp thời cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…

Hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ như cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới. Hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, hướng dẫn các kỹ năng phối hợp liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, các cuộc hội thảo để nông dân có cơ hội trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm với nhau, cùng với các nhà khoa học giải đáp và bổ sung thêm kiến thức sản xuất an toàn, hữu cơ cho người nông dân…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.