Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng bền vững
Kinh tế tập thể, đặc biệt là hợp tác xã (HTX) luôn giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đối với Bạc Liêu, kinh tế tập thể, HTX có nhiều chuyển biến tích cực, song cần có những giải pháp đồng bộ để phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh tham quan khu trưng bày sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Tân Huy Hoàng (TP. Bạc Liêu).
VỊ THẾ CỦA KINH TẾ TẬP THỂ, HTX
Tính đến nay, Bạc Liêu có 253 HTX, 3 Liên hiệp HTX đang hoạt động, trong đó 216 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm hơn 85% tổng số HTX toàn tỉnh. Tổng doanh thu của các HTX và Liên hiệp HTX ước đạt hơn 342,7 tỷ đồng. Kinh tế tập thể của tỉnh từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương.
Một trong những điểm sáng nổi bật là việc triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Chương trình này không chỉ giúp khơi dậy tiềm năng nội lực ở mỗi địa phương, mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm. Nhiều HTX đã mạnh dạn phát triển sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn và xây dựng thương hiệu gắn với địa phương. Đến nay, tỉnh đã có 25 sản phẩm của 14 HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, tiêu biểu như tôm khô của HTX Tân Huy Hoàng; chà bông tôm, tôm giòn, khô lù đù một nắng của HTX Nông sản sạch số 1 Bạc Liêu; bánh phồng tôm của HTX Thành Đạt; gạo ST25-CP, gạo RVT của HTX Chí Phải…
Ngoài ra, còn có trên 30 sản phẩm tiềm năng đang được chuẩn hóa để tham gia đánh giá OCOP. Ông Nông Văn Thạch - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Ba Đình (huyện Hồng Dân) cho biết: Ngoài việc đang xây dựng 2 sản phẩm tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP thì HTX còn kết hợp với các tập đoàn, cơ quan chức năng khảo sát đánh giá tác động môi trường để xây dựng chứng nhận ASC cho 420ha sản xuất lúa - tôm của HTX”. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển của các HTX trong việc chuyển hóa tài nguyên địa phương thành sản phẩm thương mại hóa, có giá trị gia tăng cao.
Nhằm hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường rộng hơn, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP. Hằng năm, các HTX của tỉnh được tạo điều kiện tham gia các hội chợ, hội thảo lớn trong nước, do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, góp phần mở rộng mạng lưới tiêu thụ, học hỏi kinh nghiệm và ký kết hợp tác. Đặc biệt, tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp với 10 Liên minh HTX các tỉnh, thành, tạo cơ hội để các HTX trong tỉnh tiếp cận, trao đổi và ký hợp đồng với các đơn vị đối tác. Kết quả, có 8 HTX đã ký hợp tác với 18 HTX ngoài tỉnh, giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ, trong đó một số HTX đạt mức tăng trưởng từ 20 - 30%, thậm chí vượt 50%.
Nhiều sản phẩm OCOP của các HTX được đưa vào hệ thống phân phối hiện đại như Co.opmart, WinMart, Big C, các siêu thị và điểm bán hàng OCOP, tạo bước chuyển từ tiêu thụ truyền thống sang tiêu thụ đa kênh - bước đi tất yếu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Hợp tác xã Ba Đình (huyện Hồng Dân) thu hoạch tôm càng xanh nuôi trên ruộng lúa. Ảnh: M.Đ
NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ, HTX
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng thực tế số lượng sản phẩm OCOP của HTX trong tỉnh vẫn còn khiêm tốn, chỉ mới dừng lại ở mức 3 sao, chưa có sản phẩm OCOP nổi bật đạt chuẩn 4, 5 sao. Một số sản phẩm bao bì, mẫu mã còn đơn điệu, chưa thể hiện được tính thẩm mỹ, khả năng nhận diện thương hiệu. Một số nông sản khó thương mại hóa do giá trị thấp, phụ thuộc mùa vụ, không đáp ứng yêu cầu cung ứng ổn định. Tư duy sản xuất theo kiểu truyền thống, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước còn tồn tại ở không ít HTX, làm giảm tính năng động, sáng tạo. Các lĩnh vực phi nông nghiệp như tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, du lịch nông thôn vẫn chưa được khai thác hiệu quả, làm hạn chế tính đa dạng trong phát triển sản phẩm OCOP.
Để khắc phục những tồn tại và tiếp tục nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX, tỉnh đã xác định một số giải pháp trọng tâm. Theo đó, phát huy vai trò đầu mối hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh như: Kết nối thị trường, hướng dẫn quy trình OCOP, hỗ trợ thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Mở rộng hệ thống phân phối, đặc biệt là liên kết với các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối và các điểm bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, mạng xã hội và nền tảng trực tuyến để quảng bá và bán sản phẩm OCOP, tăng khả năng tiếp cận thị trường rộng khắp, đặc biệt là người tiêu dùng. Tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, giúp cán bộ HTX và thành viên nâng cao nhận thức về OCOP, tư duy kinh tế thị trường, kỹ năng quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ HTX phát triển sản phẩm mới ở các lĩnh vực có tiềm năng như tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng…
Kinh tế tập thể, HTX đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, từng bước khẳng định vai trò không thể thiếu trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới bền vững. Chương trình OCOP chính là “chìa khóa” để các HTX nâng tầm sản phẩm địa phương, đưa hàng hóa nông thôn vươn ra thị trường rộng lớn hơn. Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị liên quan, kinh tế tập thể của tỉnh chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững…
MINH ĐẠT
- Những bí thư chi bộ gần dân, tận tụy với công việc
- Gắn kết tình nhân ái qua những suất ăn 0 đồng
- Phát động trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Hội thảo tuyên truyền pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
- Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025