Phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ: Đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại

Thứ Sáu, 19/11/2021 | 16:56

Trong sản xuất nông nghiệp, nước luôn là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, sản lượng cây trồng. Vì vậy, phát triển hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất và đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là vô cùng quan trọng.

Đoàn cán bộ tỉnh kiểm tra công tác vận hành trạm bơm tập trung ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long).

QUAN TÂM XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhưng trước đây hệ thống thủy lợi của tỉnh chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, nhất là ở các cống phân ranh mặn - ngọt, làm rò rỉ nước mặn khiến cho nông dân không thể dẫn nước nhập đồng để tưới tiêu hoặc cải tạo đất sản xuất. Mặt khác, các tuyến kênh nội đồng thường xuyên bị bồi lắng cũng làm cho nguồn nước không thông suốt, ứ đọng dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ ở nhiều nơi. Trong khi đó, tranh chấp mặn - ngọt ở những vùng sản xuất luân canh tôm - lúa vẫn thường xuyên xảy ra…

Nhận thức được vai trò quan trọng của hệ thống thủy lợi, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, phát triển nông nghiệp. Đồng thời, huy động các nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và sự đóng góp tiền, ngày công lao động của người dân để nạo vét, cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên dành nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi; trong đó, tập trung vào việc cải thiện hệ thống thủy lợi ở những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nhằm góp phần nâng cao sản lượng và giá trị sản nông sản. Đến nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản được hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân. Chỉ tính riêng huyện Phước Long, từ đầu năm đến nay, địa phương này đã tiến hành nạo vét 103 tuyến kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng với tổng chiều dài hơn 2.600m; duy tu, sửa chữa 3 trạm bơm điện và xây dựng dự án đầu tư hạ tầng mở rộng mô hình sản xuất lúa - tôm với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng. Ông Châu Huỳnh Nghiệp (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) cho biết: “Mấy năm nay, nhờ chính quyền địa phương quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ, cùng với việc bố trí các trạm bơm tập trung nên nông dân chúng tôi chủ động được nguồn nước trong sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa cũng như các loại cây trồng đều cho năng suất cao, thu nhập của người dân nhờ vậy cũng tăng lên đáng kể”.

Nạo vét kênh thủy lợi phục vụ sản xuất ở huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L

CẦN HOÀN THIỆN HỆ THỐNG THỦY LỢI THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI

Song song với đầu tư hoàn thiện hạ tầng, tỉnh cũng chú trọng phân cấp, phân quyền nhằm khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi sau đầu tư. Theo đó, Sở NN&PTNT được giao là cơ quan chủ quản quản lý các công trình thủy lợi do UBND tỉnh quản lý; Phòng NN&PTNT thuộc UBND cấp huyện là chủ quản quản lý các công trình thủy lợi do UBND cấp huyện được phân cấp quản lý. Đây cũng là yếu tố then chốt để thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, do có số lượng lớn công trình thủy lợi xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Hơn nữa, phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng trước đây chủ yếu để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, do tốc độ phát triển các khu công nghiệp, đô thị, giao thông trên địa bàn tỉnh diễn ra nhanh dẫn đến việc làm gia tăng nhu cầu thoát nước khi xảy ra tình huống mưa lớn kéo dài... Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm úng ngập cục bộ gây thiệt hại mùa màng của người dân, tỉnh cần đầu tư, nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi hiện có theo hướng hiện đại, đồng bộ phục vụ phương thức sản xuất tiên tiến...

Liên quan vấn đề này, tại buổi làm việc với các địa phương sau chuyến đi khảo sát nắm thông tin tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa hè thu vụ mùa 2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Tấn Cận cho rằng: Bên cạnh việc khẩn trương hỗ trợ bà con thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu, các địa phương cũng cần tăng cường quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn để chủ động kiểm soát nguồn nước giúp bà con sản xuất được thuận lợi. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ các công trình thủy lợi. Các tổ hợp tác, hợp tác xã được giao quản lý các công trình thủy lợi cần thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp các công trình, bảo đảm vận hành tốt phục vụ sản xuất.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.