Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Ông Nguyễn Văn Hường: Gương sáng trong phong trào nông dân vượt khó thoát nghèo
Hơn chục năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Hường (ấp Bình Lộc, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) nghèo lắm. Vợ chồng ông quanh năm làm thuê, làm mướn mà chẳng đủ ăn. Nhưng bằng đôi tay cần mẫn và khối óc sáng tạo trên mảnh đất của mình, đến nay gia đình ông đã có cuộc sống sung túc.
Ông Hường kể, ngày trước, vùng đất Bình Lộc không thể trồng cây gì ngoài cây tràm và cây khóm. 6ha đất của gia đình ông chỉ trồng khóm được vài héc-ta, còn lại là bỏ hoang vì khóm cho thu nhập thấp. Rồi Nhà nước có chủ trương cho phép nông dân chuyển đổi sản xuất, ông Hường là một trong những người tiên phong đưa cây lúa Một bụi đỏ vào sản xuất theo mô hình luân canh lúa - tôm. Thời kỳ đầu do phèn còn nhiều, nên vài vụ cây lúa chưa cho năng suất cao, có người đã bỏ cuộc, nhưng ông Hường vẫn kiên trì thực hiện. Sau nhiều lần suy nghĩ tìm ra nguyên nhân, ông khẳng định do mình chưa có kinh nghiệm và chưa ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nên thất bại là lẽ đương nhiên. Vậy là ông Hường tích cực học hỏi kinh nghiệm của các lão nông và tham gia những lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật của Phòng NN&PTNT huyện tổ chức, ông còn chịu khó theo dõi chuyên mục nông nghiệp trên báo, đài.
Sau đó, từ 6ha đất của gia đình, ông Hường đã mướn xáng cuốc đào mương đắp bờ bao, đưa giống lúa Một bụi đỏ đã được phục tráng vào sản xuất; mùa thả tôm ông trồng thêm năn bộp, thả xen canh thêm cá trắm cỏ, cua… Nhìn 6ha đất có bờ bao rộng rãi, thẳng tắp và sạch sẽ của ông Hường, ai cũng khen ngợi. Mấy năm nay, nhờ sản xuất thành công, nên trung bình mỗi năm ông Hường có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng từ mô hình tôm - lúa - cua - cá.
Từ thành công của mình, ông Hường đã vận động bà con trong ấp thực hiện đúng hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, thả tôm nuôi đúng thời vụ, đồng thời phổ biến kinh nghiệm mà bản thân tích lũy được, với mong muốn người dân quê ông sẽ có cuộc sống ngày càng khá hơn.
Tùng Lâm