Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nông nghiệp Bạc Liêu: Những thành tựu đáng tự hào
Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, chỉ sản xuất một vụ lúa/năm, sau 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nông nghiệp Bạc Liêu đã phát triển vượt bậc với nhiều mô hình sản xuất đa canh, đa con. Nông nghiệp được cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hướng đến nền nông nghiệp an toàn, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao.
HTX Toàn Thắng (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) đầu tư máy cuốn rơm, tăng thêm thu nhập cho các xã viên.
ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HÓA
Sau 48 năm giải phóng, nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang từng bước được cơ giới hóa trong sản xuất. Hiện nay, từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc đến khâu sau thu hoạch được cơ giới hóa đạt hơn 90%. Qua đó, giảm lượng thất thoát sau thu hoạch cũng như chi phí đầu tư, tăng thêm thu nhập đáng kể cho nông dân.
Điều đáng nói, cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động của nông dân, đưa nông nghiệp sang bước tiến nhảy vọt trong sản xuất. Điển hình trong cơ giới hóa là khâu cày bừa, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, sấy lúa… Ông Nguyễn Văn Hương (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Ngày nay, nông dân khỏe hơn rất nhiều so với trước, bởi từ khâu làm đất cho đến thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa hoàn toàn. Nếu trước đây, tất cả phải lao động chân tay thì ngày nay đã thay bằng máy móc, nên từ sản xuất 1 vụ lúa tăng lên 3 vụ và giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận”.
Ngoài ra, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn tận dụng được các phụ phẩm để tăng thêm thu nhập. Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) Toàn Thắng (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi), sau khi đầu tư máy cuốn rơm, HTX còn làm dịch vụ cho xã viên và bà con trong vùng. Nông dân tận dụng rơm sau thu hoạch để bán cho nông trại nuôi bò, các hộ trồng rau màu nhằm tăng thêm thu nhập.
Nông dân xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Minh Đạt
HƯỚNG ĐẾN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), nông nghiệp Bạc Liêu có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn không ngừng đổi thay. Tỉnh đã xác định được 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần tạo khí thế mới với mục tiêu phấn đấu đưa Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, nông nghiệp được xem là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ ứng dụng công nghệ cao nên nông nghiệp Bạc Liêu từng bước tăng về sản lượng và nâng cao về chất lượng.
Nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ cao là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín. Hiện toàn tỉnh có 23 công ty, đơn vị và 650 hộ dân với tổng diện tích thả nuôi tôm siêu thâm canh hơn 3.900ha. Tỉnh đang thực hiện Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín ứng dụng công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường.
Trong chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp, mô hình canh tác tôm - lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng - đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa. Nhiều HTX, nông hộ đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Điển hình như HTX Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) đã đầu tư máy bay nông nghiệp thực hiện chức năng “3 trong 1”: phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo sạ và bón phân cho lúa. Việc ứng dụng công nghệ mới - máy bay nông nghiệp giúp phun thuốc, bón phân đúng thời điểm, lượng cần thiết vừa đủ cho cây lúa, tiết kiệm chi phí…
Những công nghệ tiên tiến đã giúp nền nông nghiệp phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Do đó, việc ứng dụng thành quả của khoa học - công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu…
Bạc Liêu định hướng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phấn đấu đến năm 2025 sản lượng thủy sản đạt 600.000 tấn, lúa đạt 1.240.000 tấn và muối đạt 55.000 tấn. Phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh, mô hình lúa thơm - tôm sạch, xây dựng vùng sản xuất lúa - tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng cánh đồng lớn, hướng đến sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic, ASC, MSC…
MINH ĐẠT
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều khẳng định: Nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong phát triển của kinh tế, vì vậy ngành Nông nghiệp cần cơ cấu tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bạc Liêu hôm nay đã đổi thay vượt bậc. Từ một tỉnh nghèo, Bạc Liêu dần trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, sau khi có Chương trình xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, đời sống người dân từng bước được nâng lên, nông thôn như khoác lên mình chiếc áo mới, nhiều nơi đã trở thành những làng quê đáng sống