Nông dân Khmer: Ứng dụng nhiều mô hình hiệu quả vào sản xuất

Thứ Sáu, 24/11/2017 | 14:35

Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer. Từ sự hỗ trợ đó, bà con dân tộc Khmer có điều kiện phát triển sản xuất, ứng dụng nhiều mô hình đa cây, đa con kết hợp. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.

Nông dân Khmer huyện Vĩnh Lợi đưa màu xuống ruộng.

Bà con Khmer xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) thu hoạch rau màu. Ảnh: M.Đ

Khi Nhà nước chủ trương chuyển đổi sản xuất từ 1 vụ lúa sang mô hình lúa - tôm và khuyến khích nông dân khai hoang, phục hóa, đa dạng cây trồng - vật nuôi, thì gia đình ông Tăng Bình (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) là một trong những hộ người dân tộc Khmer đi đầu phong trào.

Có 6ha đất hoang hóa trồng khóm và trồng lúa nhưng không đủ ăn, từ khi chuyển đổi sang sản xuất mô hình luân canh lúa - tôm, tôm - cua - cá và đào ao nuôi cá bống tượng, thu nhập của gia đình ông Bình tăng lên theo từng năm. Khoảng 5 năm nay, mỗi năm gia đình ông Bình lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Ông Bình còn tận dụng đất xung quanh nhà trồng thêm  hoa màu các loại để kiếm thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn gia đình.

Nhờ chí thú làm ăn và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, một số hộ đồng bào  Khmer có thu nhập khá cao. Điển hình là ông Danh Sum (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân). Trước đây, ông Sum làm nghề chằm lá nhưng do không có vốn làm ăn nên cuộc sống rất khó khăn. Từ khi được Nhà nước cho vay vốn xóa đói giảm nghèo, ông Sum cùng gia đình siêng năng lao động và dành dụm tiền mua thêm đất sản xuất. Hiện nay, gia đình ông Sum có hơn 3ha đất trồng lúa. Từ hộ thuộc diện nghèo, nay ông Sum đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu trong ấp nhờ áp dụng mô hình đa cây, đa con kết hợp. Ngoài việc sản xuất 2 vụ lúa/năm, ông Sum còn chăn nuôi heo, đào ao nuôi cá và cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình ông lãi vài trăm triệu đồng.

Còn ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, nhiều nông dân đã chuyển sang mô hình 2 vụ lúa xen canh 1 vụ màu. Đơn cử như gia đình anh Huỳnh Sarết, với 5 công đất, ngoài sản xuất 2 vụ lúa/năm, anh còn trồng dưa hấu dưới ruộng lãi hơn 80 triệu đồng/năm. Hay anh Thạch Phếch, mặc dù chỉ có 2 công đất ruộng, nhưng nhờ tận dụng đất ven kênh thủy lợi để luân canh lúa - màu nên anh có thu nhập khá, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

Với các mô hình luân canh, xen canh lúa - màu, nhiều hộ  dân tộc Khmer đạt mức thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Nhờ thường xuyên dự các lớp tập huấn kỹ thuật nên bà con không chỉ phòng ngừa tốt sâu bệnh, nâng cao năng suất cây trồng, mà còn tăng lợi nhuận từ việc giảm chi phí.

Từ nghèo khó, nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; nhiều hộ đầu tư cho con ăn học đến nơi đến chốn. Bà con đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh luôn biết ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chăm lo, giúp cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.