Nông dân gặp khó trong canh tác vụ lúa thu đông

Thứ Hai, 14/11/2022 | 16:21

Dân gian có câu: “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”, thế nhưng, nếu mưa cứ kéo dài và gây ngập úng cục bộ thì việc canh tác lúa của nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Vụ lúa thu đông hiện tại là một minh chứng.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi bón phân cho ruộng lúa. Ảnh: C.L

Chủ động phòng, chống dịch hại

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, vụ lúa thu đông 2022, toàn tỉnh đã tiến hành xuống giống 25.639ha. Trong đó, lúa cao sản 1.906ha, lúa lấp vụ hè thu 23.733ha. Tuy nhiên, không chỉ gặp khó ở việc chăm sóc hiện tại mà ngay từ đầu vụ, nông dân đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để có thể xuống giống vụ lúa thu đông. Bởi năm nay, nhiều mẫu ruộng bà con không gieo sạ mà để đất trống, mở đồng đón phù sa. Chi phí bơm tát cũng vì thế mà tăng lên đối với những hộ quyết tâm không bỏ ruộng.

Bên cạnh đó, do gieo sạ không đồng loạt nên ruộng lúa của nhiều nông dân thường xuyên bị chuột cắn phá dù đã tìm mọi cách ngăn chặn, phòng trừ. Ông Trần Út (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Bỏ ruộng thì tiếc mà làm lúa vụ thu đông thì gặp rất nhiều bất lợi ngay từ đầu vụ. Năm nay thường xuyên có mưa và gió lớn, ruộng lúa rất dễ đối mặt với nguy cơ bị đổ ngã và ngập úng. Kể từ lúc lúa bắt đầu đẻ nhánh là tôi ra thăm ruộng thường xuyên hơn, chủ động tiêu thoát nước giúp cây lúa chắc khỏe và nền ruộng không bị sình lầy gây trở ngại khi thu hoạch”.

Mặc dù trà lúa thu đông trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn đẻ nhánh, phát triển khá tốt, ít sâu bệnh, nhưng nông dân vẫn cảm thấy không an tâm trước tình hình thời tiết mưa bão diễn biến phức tạp, đe dọa gây hại lúa. Nhất là tình trạng thời tiết nắng, mưa xen kẽ là điều kiện lý tưởng cho các loại sâu bệnh phát triển, đồng thời, khó bổ sung các vi chất cần thiết cho cây lúa, vừa giảm tác dụng của các loại thuốc bảo vệ lúa…

Nông dân Trần Minh Việt (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) cho biết: “Năm nay, sản xuất vụ lúa thu đông tuy có gặp khó bởi giá vật tư đầu vào tăng cao nhưng cũng có thuận lợi là nhiều khâu trong quá trình sản xuất đã được cơ giới hóa. Đặc biệt, các cấp chính quyền luôn quan tâm hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, cũng như kịp thời nạo vét các kênh tạo nguồn, kết hợp với gia cố các hệ thống đê bao, đảm bảo chủ động nước tưới tiêu. Từ đó giúp nông dân tiết kiệm được thời gian và chi phí sản xuất”.

Hỗ trợ nông dân

Theo ngành Nông nghiệp, đơn vị cùng với chính quyền các địa phương luôn quan tâm, theo dõi sát sao tình hình sản xuất và diễn tiến của thời tiết, sâu bệnh để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, khuyến cáo người dân chủ động trong sản xuất. Cán bộ Phòng NN&PTNT các huyện thường xuyên thăm đồng để chỉ đạo kịp thời và quan tâm kiểm tra, thúc đẩy các địa phương thực hiện tốt công tác thủy lợi để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vụ lúa thu đông. Hỗ trợ, khuyến khích nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, đặc biệt là mô hình cánh đồng lớn. Ngành chức năng tại các địa phương cũng đã quan tâm vận động, hướng dẫn nông dân chủ động gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, xung yếu, đề phòng tình trạng ngập lũ, sạt lở đất và thực hiện nhiều giải pháp nhằm ứng phó với điều kiện sản xuất bất lợi.

Nhìn chung, nông dân đã tuân thủ khá tốt các khuyến cáo của ngành chức năng về xuống giống tập trung, đồng loạt theo lịch thời vụ để chủ động né rầy và phòng tránh ngập úng cục bộ. Bên cạnh đó, ở các địa phương có diện tích xuống giống tương đối lớn, ngành Nông nghiệp  cũng đã chủ động phối hợp với các hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết bao tiêu để tìm đầu ra ổn định cho hạt lúa ngay từ đầu vụ.

“Do điều kiện thời tiết nên nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã giãn vụ, xuống giống chậm hơn so với mọi năm. Để bảo vệ trà lúa thu đông và giúp bà con có được một vụ mùa thành công, ngành Nông nghiệp phối hợp chặt với các ban, ngành huyện và các địa phương để theo dõi, chăm sóc tốt cho cây lúa; phổ biến các thông tin về thời tiết, dịch hại cho bà con nắm để chủ động ứng phó. Khuyến cáo nông dân chủ động gia cố bờ bao, theo dõi tình hình thời tiết để sẵn sàng các phương án ứng phó, nhằm bảo vệ trà lúa thu đông phát triển tốt và đạt năng suất cao vào cuối vụ”, ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.