Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nỗ lực giúp nông dân nâng cao thu nhập
Trong những năm qua, Hồng Dân có nhiều đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tiên là việc ký kết hợp tác với Trường đại học Cần Thơ trong nghiên cứu, chuyển giao các đề tài, dự án nhằm thúc đẩy hiệu quả sản xuất. Hiện tại, Hồng Dân là địa phương đi đầu trong thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Nông dân huyện Hồng Dân phơi lúa sau thu hoạch. Ảnh: Đ.H
Những năm gần đây, canh tác lúa theo phương pháp truyền thống vùng ngọt ổn định của huyện Hồng Dân đã được thay thế bằng sản xuất mang dáng dấp hiện đại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật gần như trong tất cả các khâu sản xuất. Những cánh đồng đơn màu, được gieo sạ cùng thời điểm, cùng một loại giống. Sự thay đổi này mang đến cho nông dân nhiều lợi ích, trong đó đáng kể là lợi nhuận trong sản xuất gia tăng.
Có được kết quả này là do huyện thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp như ký kết hợp tác với Trường đại học Cần Thơ trong việc nghiên cứu, chuyển giao các đề tài, dự án nhằm thúc đẩy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; làm cầu nối để doanh nghiệp và nông dân thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ nông sản. Việc liên kết này giúp nông dân thoát khỏi cảnh bị chèn ép về giá lúa cũng như sự bấp bênh về thị trường tiêu thụ mỗi vụ mùa. Khi tham gia cánh đồng liên kết, ngoài việc được hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất, nông dân còn được doanh nghiệp thu mua lúa với giá cao hơn thị trường bên ngoài từ 100 - 200 đồng/kg.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, nông dân thực hiện mô hình cánh đồng liên kết cho năng suất lúa đạt cao, lãi cao hơn từ 3,5 - 5 triệu đồng/ha so với lúa trồng ngoài mô hình. Ông Nguyễn Văn Thới - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho biết, để tạo thêm thu nhập cho nông dân, bên cạnh cây lúa, huyện sẽ phát triển thêm nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện của địa phương.
Song song đó, Hồng Dân đã triển khai nhiều giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cá bống tượng, cá thác lác cườm, cá sặc rằn… Đặc biệt, mô hình kết hợp tôm sú - tôm càng xanh - lúa được đánh giá là bền vững, vì vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa cho lợi nhuận cao. Có thể điển hình như hộ ông Phạm Văn Thuận và Trần Văn Tới (xã Ninh Thạnh Lợi) thu được từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm.
Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người ở huyện Hồng Dân là 35 triệu đồng/năm. Thu nhập này dù thấp hơn so với một số huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, nhưng đó là sự cố gắng rất lớn đối với địa phương còn nhiều khó khăn. Những mô hình cánh đồng lớn kết nối nông dân sản xuất nhỏ với thị trường lớn, xây dựng thành công thương hiệu gạo Một bụi đỏ chỉ dẫn địa lý Hồng Dân cùng với việc tôm sú, tôm càng xanh - những vật nuôi chủ lực ở vùng chuyển đổi được chứng nhận sản xuất an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Việc sản xuất lúa hiện đại đáp ứng điều kiện CNH-HĐH nông nghiệp là nền tảng để Hồng Dân phát huy thế mạnh của vùng đất thuần nông, mang hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Tuấn Kiệt