Những mô hình sản xuất hiệu quả

Thứ Hai, 23/01/2017 | 17:45

Năm 2016, tuy ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, song với những nỗ lực vượt bậc, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục, đồng thời đưa ra nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những mô hình sản xuất hiệu quả

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân. Cụ thể như mô hình trình diễn nuôi cá dứa; trồng rau an toàn trong nhà lưới, kết hợp hệ thống tưới phun tại TP. Bạc Liêu. Hay mô hình nuôi gà Đông Tảo thuần (phường 8, TP. Bạc Liêu), xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình); nuôi gà ri lai (TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai)...

Nông dân tham quan mô hình cánh đồng sinh thái lúa - tôm ở huyện Phước Long.

Nông dân thu hoạch tôm sú.

Mô hình nuôi vỗ béo bò bằng cỏ VA06 của ông Nguyễn Văn Khanh. Ảnh: M.Đ

Điển hình là mô hình nuôi dê sinh sản của anh Trần Xuân Chính (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu). Năm 2012, anh Chính đầu tư 60 triệu đồng mua 10 con dê giống, khoảng 5 tháng sau khi nuôi, đàn dê sinh sản 21 con dê con. Anh Chính đã đầu tư xây thêm chuồng trại và nhân rộng đàn dê trên 100 con. Trong đó, có 25 con dê mẹ và hơn 80 con dê thịt. Bình quân mỗi năm gia đình anh xuất bán khoảng 100 con dê giống (giá 160.000 - 180.000 đồng/kg), và hàng chục con dê thịt (giá khoảng 100.000 đồng/kg), thu về khoảng 300 triệu đồng. Anh Chính chia sẻ: “Dê là vật dễ nuôi, thức ăn cho dê chủ yếu từ cây cỏ và các loại cây mọc ven biển có sẵn ở địa phương. Việc xây dựng chuồng trại cũng rất đơn giản. Mô hình này phù hợp với những hộ nông dân ít vốn”.

Mô hình nuôi rắn hổ hèo của ông Nguyễn Minh Quờn (xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai) cũng đạt hiệu quả cao. Ban đầu ông Quờn nuôi 25 con rắn hổ hèo. Đến nay, đàn rắn của ông hơn 100 con, trị giá khoảng 40 triệu đồng. Ông Quờn có ý định phát triển đàn rắn nuôi với số lượng lớn để cung cấp rắn thịt cho thị trường Bạc Liêu, Cà Mau và TP. Hồ Chí Minh.

Còn mô hình nuôi ếch của ông Hồ Văn Bảy (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) đã giúp ông làm giàu. Ban đầu ông Bảy chỉ nuôi 5 con ếch đẻ để bán con giống, thu lợi nhuận trên 25 triệu đồng. Sau nhiều năm tích lũy vốn, kinh nghiệm, ông Bảy đã phát triển lên 9 hầm nuôi ếch với hơn 100 con ếch đẻ. Mỗi năm gia đình ông cung cấp cho thị trường khoảng 250.000 con ếch giống, cho lãi khoảng 250 triệu đồng.

Ở xã Tân Phong (TX. Giá Rai), chính quyền địa phương đang nhân rộng mô hình trồng cỏ VA06 và nuôi bò thương phẩm. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Khanh được Phòng NN&PTNT thị xã đầu tư thí điểm thực hiện mô hình. Ông Khanh dành 1.000m2 đất trồng cỏ VA06 cung cấp cho việc vỗ béo bò. Khoảng 4 - 5 tháng bò tăng trọng khoảng 100kg/con thì có thể xuất bán, thu lãi hơn 15,4 triệu đồng/con.

Mô hình sản xuất thích ứng VỚI biến đổi khí hậu

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã tranh thủ được nguồn vốn Dự án WB6 thực hiện mô hình thí điểm trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản tại huyện Phước Long; mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh - lúa ở huyện Hồng Dân, TX. Giá Rai; mô hình trình diễn giống lúa chịu phèn ở huyện Hồng Dân, Phước Long. Cùng với đó là thực hiện các mô hình trình diễn và sản xuất thử nghiệm do tỉnh đầu tư như mô hình thử nghiệm nuôi kết hợp tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh ở vùng có độ mặn thấp (TP. Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi)…

Để nông dân từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) thực hiện dự án cải tiến kỹ thuật các mô hình nuôi tôm quy mô nông hộ nhằm nâng cao khả năng phục hồi và cải thiện môi trường trước những tác động của biến đổi khí hậu tại Bạc Liêu. Các mô hình này được triển khai tại huyện Hòa Bình và Phước Long. Đồng thời thực hiện Chương trình ICMP (GIZ) để nâng cao tính hiệu quả và bền vững mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến luân canh lúa theo hướng VietGAP tại huyện Phước Long...

Nổi bật nhất trong các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu là mô hình lúa - tôm. Đây là một trong những mô hình đã và đang được tỉnh mở rộng quy hoạch và khuyến khích nông dân sản xuất. Lúa - tôm được xem là mô hình “thông minh” giải quyết hài hòa nguồn nước cho con tôm và cây lúa, được đánh giá là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, ít rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác. Mô hình này đang được nông dân TX. Giá Rai nhân rộng. Lợi nhuận từ mô hình này 50 - 100 triệu đồng/ha/năm.

Gần đây nhất, ngành chức năng đã ứng dụng mô hình cánh đồng sinh thái vụ lúa - tôm 2016 đầu tiên tại thị trấn Phước Long (huyện Phước Long). Mô hình này trên bờ ruộng trồng hoa để thu hút thiên địch, cân bằng hệ sinh thái; dưới ruộng trồng lúa và nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cá các loại. Mô hình vừa giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho nông dân (lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng 4 triệu đồng/ha) và vừa bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo ông Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: “Cánh đồng sinh thái vụ lúa - tôm là một trong những mô hình hiệu quả nhất thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước giúp nông dân chuyển sang sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn…”.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.