Nâng tầm chuỗi giá trị liên kết ngành Tôm

Thứ Sáu, 02/12/2022 | 16:33

Với những chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh, Bạc Liêu đặc biệt quan tâm đến mục tiêu nâng tầm chuỗi giá trị ngành Tôm. Qua đó nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng tôm nuôi, góp phần nâng cao cuộc sống, giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết liên kết tiêu thụ tôm.

LIÊN KẾT TIÊU THỤ TÔM

Thời gian qua, việc hợp tác, liên kết theo mô hình chuỗi giá trị ngành Tôm được các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông hộ tham gia vào mô hình này với nhiều hình thức và quy mô khác nhau. Điển hình là Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long liên kết sản xuất, tiêu thụ tôm với 8 HTX và 2 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản với diện tích 4.982ha, sản lượng bao tiêu hơn 12.200 tấn tôm/năm. Hay HTX ấp Ba Mến (xã An Trạch A, huyện Đông Hải) thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến trên diện tích 156ha với 58 hộ xã viên tham gia, đã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khởi (TX. Giá Rai)...

Ở huyện Đông Hải, những năm gần đây đã xây dựng thí điểm mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp ít thay nước, sử dụng vi sinh, đồng thời thực hiện hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị với sự tham gia của 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước). Trong đó, có 865,8ha nuôi tôm sạch đạt chuẩn ASC, OGRANIC. Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản xuất khẩu Thiên Phú, Công ty CP Tôm miền Nam thu mua tôm nuôi theo mô hình quảng canh của nông dân giá cao hơn so với thị trường từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Riêng huyện Hòa Bình có 3 HTX (gồm HTX 30/4 - xã Vĩnh Hậu, HTX Công nghệ cao (CNC) - xã Vĩnh Hậu A và HTX Vĩnh Thành - xã Vĩnh Mỹ A) thực hiện liên kết chuỗi giá trị với nhiều công ty chế biến thủy sản xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Đối với địa bàn huyện Hồng Dân, hiện HTX Ba Đình (xã Vĩnh Lộc A) thực hiện cung ứng con giống, chế phẩm sinh học và thu mua tôm thương phẩm cho các thành viên HTX với mức giá cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg…

Việc thực hiện hợp tác, liên kết theo mô hình chuỗi giá trị đã giúp nông dân thu lợi nhuận cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha. Đặc biệt là giúp nông dân từng bước hướng đến sản xuất mang tính cộng đồng, được bao tiêu hết sản phẩm và không bị thương lái ép giá. Đối với doanh nghiệp thì chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản lượng hàng hóa lớn và đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Xã viên HTX Ba Đình (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: M.Đ

GIẢI PHÁP NÂNG CAO GIÁ TRỊ CON TÔM

Thực tế cho thấy, tuy đạt được hiệu quả bước đầu, nhưng mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh phát triển vẫn còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững; vẫn còn tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Do đó, Bạc Liêu đang có những giải pháp hữu hiệu để mô hình liên kết phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị ngành Tôm...

Cụ thể là tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, các nguồn lực nhằm lan tỏa, thúc đẩy ngành Tôm và các ngành phụ trợ về tôm ở các tỉnh lân cận để cùng phát triển bền vững. Theo đó, phấn đấu sớm đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu, mà nòng cốt là các tổ chức khoa học - công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển CNC trong ngành công nghiệp tôm. Đồng thời, xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC là hướng phát triển chính của tỉnh; khuyến khích phát triển hình thức nuôi CNC ở các nông hộ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông - thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng để xây dựng thương hiệu cho từng mặt hàng. Mặt khác, xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất theo chuỗi liên kết cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, đối thoại, tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng để nông dân hiểu được lợi ích của liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Thu hút đầu tư, huy động các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nông dân đầu tư toàn bộ hoặc một phần hạ tầng vùng nuôi. Huy động nguồn vốn để đầu tư các hạng mục công trình giao thông nông thôn, kênh nội đồng, hệ thống xử lý nước thải tập trung…

Để việc liên kết chuỗi giá trị ngành Tôm ngày càng hiệu quả, ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng cần có chính sách hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng CNC. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Các ngành chức năng cần tăng cường giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện nông dân. Đồng thời, tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác thực hiện chuỗi bao tiêu khép kín; phát triển liên kết chuỗi giá trị hướng tới xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu…

MINH CHÂU

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Bạc Liêu ước đạt 631 triệu USD, bằng 68,64% kế hoạch, tăng 9,88% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm đông ước đạt 614,83 triệu USD, bằng 68,79% kế hoạch, tăng 9,90% so với cùng kỳ. Song, kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhất là con tôm của tỉnh hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện có. Bạc Liêu đang thực hiện các giải pháp đồng bộ và phấn đấu đến năm 2025, xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.