Nâng cấp hạ tầng nghề cá để khai thác hải sản bền vững

Thứ Hai, 13/03/2023 | 16:58

Với ngư trường rộng, nguồn lợi phong phú, Bạc Liêu là địa phương có tiềm năng lớn về khai thác và chế biến hải sản. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều hạ tầng nghề cá xuống cấp, gây khó khăn trong hoạt động khai thác, neo đậu, giao thương của các ngư dân. Trước thực trạng này, tỉnh đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các cảng cá.

Cảng cá Gành Hào đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục cuối.

Hạ tầng chưa đồng bộ

Những năm gần đây, việc ra vào Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) của các tàu cá gặp nhiều khó khăn do luồng lạch bị cát bồi lắng. Bên cạnh đó, quy mô cảng nhỏ, trong khi lượng tàu thuyền ra vào tấp nập để xếp dỡ hàng hóa, chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu trước khi vươn khơi cũng gặp trở ngại. Cho nên, tàu khai thác với công suất lớn dù ngư trường khai thác khá gần với Cảng cá Gành Hào nhưng vẫn không vào cảng để lên hàng.

Mặt khác, hệ thống kho, bãi lưu giữ hàng hóa; trang thiết bị bốc xếp hàng hóa; hệ thống điện, cấp thoát nước; hệ thống xử lý nước thải; thiết bị báo tín hiệu, đèn chiếu sáng; khu dịch vụ hậu cần… tại cảng cũng đều thiếu và xuống cấp đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của bà con. Đối với hoạt động giao thương, buôn bán hải sản, vì hạ tầng xuống cấp, chưa đồng bộ nên ngư dân nơi đây phải thuê người “tăng bo” cá, tôm lên bờ khiến chi phí gia tăng, lợi nhuận thu về giảm đáng kể. Việc vận chuyển thủ công này tiềm ẩn nguy hiểm cho người lao động và làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ngư dân Nguyễn Văn On: “Cảng nhỏ, lối ra vào cảng lại hẹp, xuống cấp nên việc xếp dỡ hàng hóa sau mỗi chuyến biển khá khó khăn. Nhiều tàu sau khi vào bến phải nằm chờ đến lượt mới có thể cập cảng, lên hàng”.

Việc hạ tầng chưa đồng bộ, xuống cấp không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động xếp dỡ hàng hóa mà vấn đề xử lý chất thải, nước thải cũng không có nên tình trạng ô nhiễm quanh khu vực cảng diễn ra khá phổ biến, làm mất vẻ mỹ quan cũng như ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của ngư dân.

Ngư dân đang xếp dỡ các mặt hàng thủy hải sản sau chuyến biển ở Cảng cá Gành Hào. Ảnh: C.L

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng cá

Trước thực trạng đó, việc đồng bộ hóa hạ tầng cảng cá là vấn đề cấp thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề cá, nhất là trong bối cảnh ngành Thủy sản của tỉnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào với tổng nguồn vốn 180 tỷ đồng đã được triển khai thực hiện. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 120 tỷ đồng, ngân sách địa phương 60 tỷ đồng; với 3 gói thầu. Diện tích mở rộng là 6,6ha trên bờ và hơn 7ha mặt nước. Tuy nhiên, theo phương án điều chỉnh, tăng tổng mức đầu tư Cảng Gành Hào lên khoảng 270 tỷ đồng, cao hơn khoảng 90 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng ước tính khoảng 80 tỷ đồng…

Hiện chủ đầu tư đang yêu cầu các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện các hạng mục sau cùng để sẵn sàng phối hợp với Bộ NN&PTNT tiến hành nghiệm thu và tiến tới đưa Cảng cá Gành Hào vào hoạt động trong năm 2023 này. Sau khi được nâng cấp, mở rộng, Cảng cá Gành Hào sẽ trở thành cảng loại I, đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa, thủy hải sản cho tàu thuyền có công suất đến 600CV và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương. Đây là dự án đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngư dân chuyển đổi từ nghề cá truyền thống sang nghề cá nhân dân; phát triển sản xuất hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh, cho biết: “Sau khi nâng cấp cảng xong, Ban sẽ tiến hành phối hợp với các bên có liên quan để tiếp tục xây dựng hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống xử lý nước thải; các công trình vệ sinh; tường rào; hệ thống cấp điện, nhà điều hành... để Cảng cá Gành Hào không chỉ là nơi ra vào của các tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh mà còn thu hút các tàu khai thác ở các tỉnh, thành lân cận vào cảng xếp dỡ hàng hóa cũng như sử dụng các dịch vụ hậu cần khác. Từ đó, giúp cho lĩnh vực khai thác, chế biến thủy hải sản phát triển cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương”.

Theo thống kê, Đông Hải có khoảng 540 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Việc nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào không chỉ tạo động lực phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá mà còn giúp địa phương phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và tạo nên những bước đột phá mới cho phát triển kinh tế biển, xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển. Tin rằng khi các dự án được đầu tư đồng bộ, nghề cá của tỉnh sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần chung tay cùng cả nước gỡ thẻ vàng do Ủy ban châu Âu cảnh báo.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.