Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nan giải bài toán giá thành sản xuất trong nuôi tôm
Chưa bao giờ ngành tôm của Việt Nam nói chung và nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Trong đó, giá thành sản xuất tăng cao và tỷ lệ nuôi tôm thành công chỉ đạt khoảng 40% chính là những lực cản cho ngành tôm kém phát triển.
Nông dân thả con giống nuôi tôm công nghệ cao tại TP. Bạc liêu.
SẢN XUẤT THỤ ĐỘNG
Qua thống kê của Hiệp hội ngành tôm và Chi cục Thủy sản tỉnh, giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam và Bạc Liêu luôn cao hơn so với Thái Lan và Ecuador. Trong khi đó, mặc dù là một trong những quốc gia sản xuất tôm lớn, nhưng năng suất và chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam vẫn chưa đồng đều, tỷ lệ thành công thấp. Chính các vấn đề về chi phí thức ăn, con giống, công nghệ nuôi tôm, sử dụng thuốc và hóa chất, chất lượng môi trường, tiêu thụ tôm, chính sách hỗ trợ… là những nguyên nhân làm cho giá thành sản xuất tôm nguyên liệu của Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng xếp vào loại cao trên thế giới.
Cụ thể, một trong những khó khăn làm cho giá thành sản xuất tôm tăng cao chính là chi phí thức ăn. Lâu nay, giá thức ăn cho con tôm ở Việt Nam thường cao hơn so với các nước nuôi tôm khác, do phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu và thị trường thức ăn chăn nuôi chủ yếu được quyết định bởi các thương hiệu nước ngoài như: Grobest, CP, Tomway… vốn chiếm hơn 95% nguồn cung cấp thức ăn cho con tôm trên thị trường hiện nay. Thông thường, giá thức ăn chăn nuôi luôn có xu hướng tăng cao mà không giảm theo biến động kinh tế. Trong khi đó, sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ các quốc gia như Thái Lan và Ecuador lại có nguồn nguyên liệu phong phú và giá cả cạnh tranh hơn. Đồng thời, các trang trại lớn nuôi tôm ở các quốc gia này cũng không phải gánh thêm các khoản chi phí phát sinh hay qua nhiều khâu trung gian như ở Việt Nam khi mua thức ăn chăn nuôi.
Cùng với thức ăn, chất lượng con giống cũng chính là nguyên nhân làm tăng giá thành sản xuất lâu nay. Hiện có khoảng 2.500 trại giống ở Việt Nam, phân tán rộng rãi với nhiều trại giống nhỏ và một số ít trại giống thương mại lớn. Đáng quan tâm là tôm giống có tỷ lệ sống khi thả nuôi của trại giống tại Việt Nam chỉ ở mức 35 - 40%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia nuôi tôm cạnh tranh. Ngoài ra, tôm giống ở Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu tôm bố mẹ với khoảng 200.000 - 250.000 con tôm thẻ L. vannamei mỗi năm, do nguồn cung cấp con giống trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, ghi nhận lãi suất lợi nhuận của các công ty tôm giống không năm nào dưới 25%. Và kết quả là giá tôm giống của Việt Nam luôn theo chiều hướng tăng dần, trong khi môi trường ao nuôi thì ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng và chỉ cần con giống kém chất lượng đổ vào là bị thiệt hại ngay.
Một vấn đề quyết định đến giá thành sản xuất tăng cao là nghề nuôi tôm ở Việt Nam và Bạc Liêu vẫn còn nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, chi phí nhân công nhiều.
Chi phí thức ăn thường chiếm từ 50 - 60% tổng chi phí sản xuất cho mỗi ki-lô-gam tôm.
PHÁT TRIỂN KÉM BỀN VỮNG
Để đảm bảo rằng sản phẩm tôm là an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và không gây hại cho môi trường nước và biển, các quốc gia nhập khẩu tôm luôn đòi hỏi sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt về môi trường, sinh thái và an toàn thực phẩm ngày càng cao. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam lại tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm vì thói quen sử dụng chất kháng sinh. Vấn nạn này còn kéo theo chi phí kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến, chi phí kiểm kháng sinh từ các nước nhập khẩu và thời gian thông quan kéo dài do phải chờ kiểm kháng sinh khi nhập khẩu. Tất cả những điều này đã đẩy chi phí tôm xuất khẩu của Việt Nam cao hơn.
Do giá thành sản xuất tăng cao nên tác động trực tiếp đến giá bán của con tôm xuất khẩu của Bạc Liêu và doanh nghiệp khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu lớn cùng chung mặt hàng. Ảnh: K.T
Loay hoay trong bài toán giá thành sản xuất tôm còn có tình trạng nhiều hộ nuôi tôm luôn thiếu vốn, nên ngoài việc mua nợ thức ăn, thuốc và vật tư thủy sản với mức giá cao hơn, nông dân không có tiền đầu tư cho phát triển hạ tầng phục vụ nuôi tôm theo mô hình công nghiệp hiện đại để giảm giá thành sản xuất. Cùng với đó, mạng lưới thương lái hiện tại đang xử lý khoảng 70% tổng sản lượng tôm nuôi. Việc mạng lưới thương lái nhiều cấp, hoạt động phân tán đã tạo nên sự phức tạp trong việc theo dõi nguồn gốc tôm từ trang trại đến nhà máy và tăng giá thành sản xuất cao hơn do trải qua quá nhiều khâu trung gian.
Đáng lo hơn cả là chất lượng môi trường trong nuôi trồng thủy sản dần xấu đi và nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề, rồi chất lượng nguồn nước cũng bị ô nhiễm, cạn kiệt, dẫn đến tăng chi phí xử lý nước và làm giảm hiệu quả nuôi trồng…
Tất cả những khó khăn và bất cập này chính là nguyên nhân làm cho giá thành sản xuất của con tôm Việt Nam nói chung và ở Bạc Liêu nói riêng tăng cao. Do vậy, nếu không có ngay các giải pháp căn cơ để hóa giải các thách thức này thì con tôm của quốc gia, trong đó có con tôm Bạc Liêu sẽ kém phát triển, thậm chí tụt hậu sâu. Mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm cũng sẽ khó khả thi khi sản lượng, quy mô và sức cạnh tranh của tôm ngày càng yếu đi. Vì thế rất cần một “cú hích” trong việc tái cơ cấu lại ngành tôm cũng như phát huy hiệu quả sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ.
LƯ TRUNG
---------------------
THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI CỦA NGÀNH TÔM
Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tại Hội thảo “Tham vấn giải pháp nuôi tôm hiệu quả” (diễn ra vào ngày 31/10): Năm nay, sản xuất tôm trong nước phải đối mặt với nắng nóng tại Trung Bộ, khô hạn tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại Nam Bộ, bão, lũ xảy ra tại các tỉnh phía Bắc gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đối với nuôi trồng thủy sản. Xuất khẩu tôm gặp nhiều bất lợi do khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao ở các thị trường nhập khẩu chính, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, giá thành sản xuất cao. Bên cạnh đó là những khó khăn do sức ép cạnh tranh với các thị trường như Ecuador, Ấn Độ...
Theo dự báo, sản xuất tôm toàn cầu sẽ tăng trở lại cuối năm 2024, năm 2025 duy trì ổn định. Tôm Việt Nam cũng có lợi thế nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp cao hơn đối với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia vào cuối tháng 12/2024. Đây là cơ hội để ngành tôm có thể bứt phá trong những tháng cuối năm để về đích mục tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 4 tỷ USD. Đưa ra khuyến nghị cho các địa phương, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - Trần Đình Luân nhận định: Lợi nhuận của người nuôi tôm đạt thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính do chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều khó khăn. Vì vậy, “Vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
---------------------
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh - Nguyễn Hoàng Xuân: Cần cung cấp các gói vay ưu đãi và có chính sách tín dụng đặc thù
Để giảm giá thành sản xuất và góp phần tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm, hướng đến phát triển bền vững, về tầm vĩ mô cần khuyến khích sản xuất nguyên liệu thức ăn trong nước để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Đồng thời, đàm phán với các nhà cung cấp quốc tế để mua thức ăn với giá cạnh tranh hơn; xây dựng các chương trình nghiên cứu và phát triển công thức thức ăn tôm hiệu quả về chi phí.
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tôm giống nội địa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu tôm bố mẹ gắn với tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng các trại giống, đặc biệt hỗ trợ các trại giống nhỏ lẻ nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích áp dụng công nghệ tự động hóa và hệ thống xử lý nước tiên tiến thông qua các gói hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho người nuôi. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác với các nước như Thái Lan và Ecuador để học hỏi và triển khai mô hình nuôi công nghiệp hiện đại.
Cùng với đó, cần cung cấp các gói vay ưu đãi và có chính sách tín dụng đặc thù, nhất là cho người nuôi nhỏ lẻ, giúp nông dân giảm sự phụ thuộc vào các đại lý nhiều cấp và giảm dần việc mua nợ làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận của nông dân.
Một giải pháp khác nữa là tăng cường đầu tư vào hệ thống lọc và tuần hoàn nước hiệu quả, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao chất lượng nguồn nước nuôi. Thực thi các biện pháp giám sát và xử phạt nghiêm khắc để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Xây dựng chuỗi cung ứng trực tiếp từ nông dân đến nhà máy chế biến để giảm thiểu số lượng trung gian và kiểm soát tốt hơn nguồn gốc sản phẩm. Khuyến khích phát triển các mô hình hợp tác xã để người nuôi có thể bán trực tiếp cho nhà máy.
Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu - Phạm Hoàng Minh: Nên xây dựng các liên kết sản xuất bền chặt
Con tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển ngành Thủy sản và nền kinh tế Việt Nam, qua đó, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động. Trong những năm qua, tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm luôn chiếm ở mức cao, từ 36,8 - 50,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Để con tôm Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, việc tất yếu phải làm là hoàn thiện chuỗi giá trị ngành tôm thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất. Bởi nguyên vật liệu cung ứng đầu vào từ khâu con tôm giống, thức ăn, hóa chất… chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Qua thống kê cho thấy, tổng lượng cung hàng năm cho tôm ước khoảng trên 1 triệu tấn các loại được các công ty thiết lập hệ thống phân phối đến tận tay người nuôi và thông thường phải qua 2 cấp đại lý. Do đó, giá bán đến người tiêu dùng chênh so với giá xuất xưởng từ 20 - 30%. Đây chính là nguyên nhân làm cho giá thành sản xuất con tôm của nông dân Việt Nam tăng cao so với các nước khác được đầu tư thức ăn trực tiếp từ nhà máy đến đồng tôm.
Ngoài ra, để giảm giá thành sản xuất trong nuôi tôm, một trong những giải pháp cần làm ngay chính là xây dựng các liên kết sản xuất bền chặt giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm hay các doanh nghiệp với các hợp tác xã, nhằm giảm dần các khâu trung gian và tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư trực tiếp cho con tôm. Cần chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi tôm cho nhau, lựa chọn các nguyên vật liệu chất lượng cao, giá thành hợp lý, đảm bảo nguồn cung ổn định và đảm bảo các ưu đãi dài hạn từ nhà cung cấp.
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hồng Dân và Phước Long
- Họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải
- Hội nghị tập huấn kỹ năng truyền thông chính sách năm 2024
- Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương
- Tổng kết Cuộc thi Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2024 - 2025