Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Năm 2018: Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của tỉnh
Đối với sản xuất nông nghiệp, năm 2017 được coi là năm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai và tác động cực đoan của quá trình biến đổi khí hậu, giá cả và đầu ra của một số mặt hàng tiếp tục gặp khó. Song, nhờ làm tốt công tác chỉ đạo nên sản xuất nông nghiệp năm 2017 tiếp tục phát triển.
Nông dân huyện Đông Hải cải tạo ao đầm chuẩn bị vụ nuôi tôm mới. Ảnh: L.D
Ngành Nông nghiệp kết hợp với các doanh nghiệp, ngân hàng đẩy mạnh liên kết trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Ảnh: L.D
PHÁT TRIỂN CÁC MÔ HÌNH LIÊN KẾT HỢP TÁC
So với cây lúa và chăn nuôi, sản xuất nuôi trồng thủy sản tiếp tục có những bước phát triển khá. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nuôi theo quy trình mới được áp dụng và nhân rộng. Ước đến cuối năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản thực hiện trên 138.920ha, đạt 102,09% kế hoạch, tăng 2,69% so với cùng kỳ. Qua đó, nâng tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản 323.600 tấn, đạt 100,87% kế hoạch, tăng 5,94% so với cùng kỳ. Điều đáng phấn khởi là doanh thu, lợi nhuận và giá thu mua nguyên liệu thủy sản năm 2017 tăng và khá ổn định. Cụ thể, doanh thu trung bình của mỗi héc-ta đất nuôi trồng thủy sản trên 170 triệu đồng, đạt 102,24% kế hoạch, tăng 108,99% so với cùng kỳ; giá tôm tăng bình quân so với cùng kỳ (tôm sú tăng 17.000 - 19.000 đồng/kg, tôm thẻ tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg)...
Có được kết quả trên, bên cạnh sự năng động của bà con nông dân, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực làm tốt công tác phối - kết hợp trong việc khuyến khích nông dân, doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết hợp tác. Điển hình như Công ty Cổ phần tôm Miền Nam ký kết với Hợp tác xã Thành Đạt (xã Long Điền, huyện Đông Hải), Tổ hợp tác 30/4 (ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) và Tổ hợp tác Thành Công 1 (ấp 18, xã Phong Thạnh A, TX. Giá Rai) tiến hành mua bán tôm trong 3 năm (với quy mô sản xuất trên 162ha và Công ty sẽ hỗ trợ 50% tôm giống). Đến nay, Công ty đã thu mua được 42 tấn tôm của HTX Thành Đạt.
Hay Công ty TNHH MTV chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú (TX. Giá Rai) ký kết với Hợp tác xã Đồng Tiến và Tổ hợp tác Tiền Phong tiếp tục thực hiện nuôi tôm sú quảng canh cải tiến theo tiêu chuẩn Global Gap/ASC 352ha/204 hộ (xã Định Thành, huyện Đông Hải), đã mua được 22,5 tấn tôm; ký kết với Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản ấp Thuận Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) 197,5ha/85 hộ và Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Long Điền Đông (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) với mô hình tôm - rừng 496ha/95 hộ...
Các mô hình liên kết này đã và đang được tiếp tục khuyến khích nhân rộng trong năm 2018 và cho những năm tiếp theo.
DỒN SỨC CHO KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO PHÁT TRIỂN TÔM
Cùng với những thuận lợi, sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2017 cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là thời tiết diễn biến không thuận lợi, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao làm cho các yếu tố môi trường biến động gây thiệt hại một số diện tích nuôi tôm của người dân. Do mưa trái mùa xuất hiện nhiều và nước sông Hậu về nhiều hơn các năm trước, làm cho khoảng 4.000ha đất lúa - tôm của huyện Hồng Dân không đủ nước mặn nuôi tôm trong các tháng 3 và 4/2017. Điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản đầu tư chưa đồng bộ, khó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư; người nuôi tôm chưa có ý thức cao trong công tác bảo vệ môi trường nuôi, còn tự ý xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài; một bộ phận người dân chưa tuân thủ quy trình nuôi; nuôi tôm không theo quy hoạch, không đúng lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chức năng; các yếu tố đầu vào luôn biến động theo chiều hướng tăng, trong khi giá cả đầu ra còn thấp, không ổn định...
Theo kế hoạch phát triển ngành Thủy sản, năm 2018 Bạc Liêu sẽ dồn sức khai thác và phát huy thế mạnh kinh tế mũi nhọn này. Trong đó, trọng tâm là tập trung thực hiện Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho toàn khu là tích cực mời gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển các mô hình trình diễn nhằm đảm bảo mục tiêu lan tỏa công nghệ của khu này. Đến nay, đã có hơn 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và đã có 5 công ty ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích sản xuất 791ha...
Với quyết tâm phát triển mạnh nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản, năm 2018 hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá, đưa ngành tôm phát triển và trở thành “thủ phủ” ngành tôm của cả nước.
TÚ ANH
Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT: Để thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển sản xuất năm 2018, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như:
Chỉ đạo quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực nông nghiệp, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, công việc quan trọng, lâu dài, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành “thủ phủ ngành tôm của cả nước”.
Tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch để tạo sự lan tỏa, dẫn dắt, nâng tầm các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi mới, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình sản xuất nông - lâm - diêm nghiệp và thủy sản có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu bảo vệ môi trường, xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Xây dựng các mô hình mẫu, hợp tác xã kiểu mới đối với từng ngành, lĩnh vực để nhân rộng; khuyến khích hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”; tập trung triển khai xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển ổn định bền vững, hiệu quả.
Đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, điện khí hóa, hiện đại hóa để giảm tổn thất trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của nông sản, hàng hóa nông thôn; tiếp tục tập trung đầu tư lưới điện cho các trạm bơm phục vụ sản xuất lúa, nuôi tôm, các cống đầu mối. Ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh; vùng sản xuất lúa - tôm bền vững và các dự án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai...
K.T (tổng hợp)