Mô hình “lúa thơm, tôm sạch”: Nâng cao giá trị hàng nông sản

Thứ Hai, 26/10/2020 | 17:17

Với xu thế hội nhập nhanh và sâu rộng thị trường thế giới như hiện nay, việc tạo ra sản phẩm cạnh tranh mang lại nhiều giá trị gia tăng đã trở thành vấn đề sống còn của mỗi quốc gia. Đặc biệt, với những địa phương có nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như Bạc Liêu thì việc nâng cao giá trị nông sản lại cần thiết hơn bao giờ hết.

Chế biến tôm thành mặt hàng giá trị gia tăng tại Công ty xuất khẩu Tôm Việt (TP. Bạc Liêu).

NHU CẦU BỨC THIẾT

Với điều kiện sinh thái đặc thù đã giúp cho Bạc Liêu hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cả con tôm, cây lúa - vốn là hai sản phẩm chủ lực mang lại kim ngạch xuất khẩu cao. Đặc biệt ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A gồm các huyện Hồng Dân, Phước Long và TX. Giá Rai có tổng diện tích trên 70.270ha áp dụng mô hình sản xuất lúa - tôm và chiếm trên 51% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh.

Trong những năm qua, sản xuất lúa - tôm tuy được xem là mô hình sản xuất bền vững, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao và chưa phát huy được các tiềm năng, lợi thế vốn có. Qua tổng kết mô hình cho thấy, tổng thu nhập bình quân đạt khoảng 68,65 triệu đồng/ha/năm (trong đó, lúa 29,65 triệu đồng/ha/năm, tôm 39 triệu đồng/ha/năm) và lợi nhuận mang lại là 49,63 triệu đồng/ha/năm (lúa 12,63 triệu đồng/ha/năm, tôm 37 triệu đồng/ha/năm).

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, hiệu quả kinh tế mang lại thấp và khả năng sẽ giảm năng suất nếu như không có ngay các giải pháp về công nghệ để làm tăng năng suất, chất lượng và nhất là sự trả giá về môi trường sẽ làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Bởi trên thực tế, mô hình sản xuất lúa - tôm hiện nay vẫn phải sử dụng vôi đá trong cải tạo môi trường, thậm chí khi xảy ra sâu bệnh gây hại trên lúa, nhiều nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý. Nếu chỉ tính riêng khâu xử lý vôi, những cánh đồng lúa - tôm trong tương lai sẽ khó tránh khỏi tình trạng vôi hóa do tích tụ qua nhiều năm, làm mất đi các chất dinh dưỡng vốn có của đất. Nông dân Nguyễn Văn Dũng (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) cho rằng: “Đối với mô hình sản xuất lúa - tôm, trung bình mỗi công phải sử dụng từ khoảng 70kg vôi đá để xử lý môi trường. Điều này, về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sản xuất. Do vậy, nông dân cần những sản phẩm mới thân thiện với môi trường mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, nhất là nuôi con tôm sau vụ lúa”.

Xuất phát từ nhu cầu bức thiết trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế, muốn thực hiện tốt kế hoạch này, giải pháp đầu tiên là cần thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất hàng hóa lớn và tạo ra sản phẩm cạnh tranh. Vì đến nay, nhiều nông dân vẫn còn đề cao kinh nghiệm cá nhân, làm theo tập quán và chưa tha thiết tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã - vốn được xem là giải pháp hàng đầu trong việc liên kết để nâng chất mô hình sản xuất lúa - tôm theo chuỗi giá trị gắn kết nông dân với doanh nghiệp.

Nông dân TX. Giá Rai cấy lúa ST 24 trên đất tôm. Ảnh: L.D

HƯỚNG ĐẾN “MỤC TIÊU KÉP”

Để phát huy các tiềm năng, thế mạnh từ mô hình sản xuất lúa - tôm, cùng với liên kết, đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp giúp cho nông dân tăng năng suất, Bạc Liêu đang tập trung giúp nông dân tăng thu nhập bằng mô hình “lúa thơm, tôm sạch”. Theo đó, tháng 5/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST 24, ST 25 trên địa bàn tỉnh.

Mô hình sản xuất này tuy mới triển khai thí điểm nhưng hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá và mang lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân. Đây cũng chính là thực hiện “mục tiêu kép”, vì sản xuất giống lúa ST 24, ST 25 theo quy trình sạch sẽ tác động tích cực cho việc nuôi con tôm sạch trên đất lúa. Song, cái được hơn cả chính là giá trị mang lại từ giống lúa ST 24, ST 25 đã làm thay đổi nhận thức trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Ông Dương Văn Toàn (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) cho biết: “Nếu như trước đây gia đình tôi chỉ sử dụng giống OM 5451 thì vụ lúa năm nay bắt đầu làm giống ST 24. Bởi sản xuất giống lúa ST 24 được doanh nghiệp bao tiêu, giá thu mua cao hơn thị trường khoảng 300 đồng/kg nên nông dân cầm chắc lợi nhuận lại không phải lo đầu ra”.

Từ những lợi ích mang lại từ giống lúa thơm ST 24 nên diện tích sản xuất giống lúa này đang được mở rộng. Ông Võ Văn Thum - Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) cho biết: “Vụ mùa vừa qua, nông dân trong xã chỉ thử nghiệm hơn 10ha giống lúa ST 24 thì vụ mùa năm nay đã mở rộng diện tích gần 250ha. Qua thử nghiệm trên đồng đất cho thấy, giống lúa ST 24 rất phù hợp, sinh trưởng nhanh và năng suất đạt rất cao - khoảng 8 tấn/ha. Đáng phấn khởi là giá thu mua giống lúa này khá cao. Nếu như các giống OM trước đây được thương lái thu mua khoảng 4.800 - 5.000 đồng/kg, thì giống lúa ST 24 được thu mua trên 7.000 đồng/kg, tính ra lợi nhuận tăng gần gấp đôi nên nông dân rất phấn khởi”.

TRẢ ĐÚNG GIÁ TRỊ CHO CON TÔM!

Với mô hình sản xuất giống lúa ST 24 và ST 25, giá trị của hạt lúa đã được nâng lên, nhưng giá trị con tôm nuôi trên đất lúa đang bị các doanh nghiệp, thương lái “ăn gian” người nông dân!

Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy, tôm nuôi trên đất lúa tuy được xem là con tôm sinh thái, sản xuất theo quy trình sạch và có thể chế biến ngay thành các sản phẩm ăn nhanh. Thế nhưng, giá trị mang lại từ con tôm sinh thái vẫn chưa được phát huy và bị xếp ngang bằng về giá trị so với tôm nuôi theo mô hình công nghiệp.

Nguyên nhân giá thu mua tôm nguyên liệu giữa con tôm sinh thái và tôm công nghiệp bằng nhau, thậm chí giá thu mua con tôm sinh thái còn thấp hơn, do con tôm sinh thái nuôi ở các địa bàn vùng sâu vùng xa, không thuận tiện về giao thông nên phần lớn phải thông qua các lái tôm thu mua nhỏ lẻ. Xuất phát từ nguyên nhân này đã làm cho con tôm sinh thái chưa thể xuất thẳng vào nhà máy và luôn bị các thương lái chèn ép giá, thậm chí cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thừa biết con tôm sinh thái qua chế biến sẽ mang lại giá trị cao hơn so với con tôm công nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn không chấp nhận thu mua giá nguyên liệu cao hơn. Tôm nuôi sinh thái cũng giúp cho doanh nghiệp giảm đi một khoản chi phí đáng kể trong việc xét nghiệm để kiểm tra chất lượng con tôm có bị nhiễm kháng sinh hay không trước khi chế biến xuất sang các thị trường khó tính.

Ông N.T.K, một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lớn của tỉnh, thừa nhận: “Nếu thu mua tôm công nghiệp, doanh nghiệp còn sợ nguồn hàng bị nhiễm kháng sinh, còn thu mua con tôm sinh thái thì rất an tâm. Với con tôm sinh thái, doanh nghiệp có thể chế biến thành nhiều mặt hàng giá trị gia tăng và lợi nhuận sẽ tăng thêm từ 2 - 3 lần so với con tôm đông lạnh”.

Từ bất cập này cho thấy, đã đến lúc cần trả lại đúng giá trị cho con tôm sinh thái và đây cũng là giải pháp để khuyến khích nông dân nuôi tôm sạch khi giá trị được tăng thêm. Không chỉ thế, mô hình “lúa thơm, tôm sạch” sẽ tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ khi hiệu quả kinh tế được phát huy và hướng đến xây dựng nền một nền “sản xuất xanh” bền vững và không ngừng nâng cao giá trị gia tăng.

LƯ TRUNG

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh: Bạc Liêu sẽ tạo nên những đột phá từ mô hình “lúa thơm, tôm sạch”

Trong các mô hình sản xuất thì tôm - lúa được đánh giá là mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững. Đây là mô hình sản xuất không tác động xấu tới môi trường xung quanh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, mức đầu tư phù hợp với đa số các hộ nông dân trong vùng.

Tuy nhiên, việc phát triển mô hình này trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn như: việc quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập; người dân sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún; kinh nghiệm trong sản xuất của người dân chưa nhiều, chủ yếu vẫn canh tác theo tập quán cũ, một bộ phận thiếu vốn đầu tư cũng như thiếu các thông tin kỹ thuật mới, nguy cơ rủi ro do bệnh dịch trên tôm, sâu bệnh trên lúa cao, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn… dẫn đến hiệu quả kinh tế trung bình của mô hình này nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.

Để phát huy thế mạnh từ mô hình này và giúp người nông dân tăng thu nhập, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ và xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng sản xuất giống lúa ST 24, ST 25 trên địa bàn tỉnh năm 2020. Với kế hoạch này, Bạc Liêu sẽ tạo nên những đột phá từ mô hình “lúa thơm, tôm sạch”. Qua đó, phấn đấu đến năm 2025 diện tích tôm - lúa đạt 41.000ha, năng suất 0,5 tấn/ha/năm, sản lượng phấn đấu đạt 20.500 tấn; đối với lúa, năng suất đạt 4,64 tấn/ha, sản lượng phấn đấu 190.240 tấn. Góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đạt 400 triệu USD vào năm 2020 và đạt 500 triệu USD vào năm 2025 (chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).

Ông Trần Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long: Giống lúa ST 24, ST 25 mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng

Việc thực hiện Kế hoạch xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng sản xuất giống lúa ST 24, ST 25 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và cộng đồng.

Về mặt kinh tế, sẽ nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích kể cả năng suất, giá trị sản phẩm, cụ thể là lợi nhuận sẽ tăng thêm 15 - 20% so với các giống lúa khác.

Về hiệu quả xã hội, sẽ tạo điều kiện cho hơn 1.000 hộ dân được hưởng lợi từ kế hoạch này thông qua việc tham gia mô hình trình diễn, tập huấn kỹ thuật, hội thảo nhân rộng, truyền thông… Từ đó, các chính sách của Nhà nước về chuyển giao khoa học - kỹ thuật từng bước được thực hiện, góp phần tạo lòng tin của Nhân dân đối với Nhà nước trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả. Từng bước hình thành tổ chức kinh tế hợp tác và đội ngũ khuyến nông tự nguyện ở cơ sở làm nòng cốt cho công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương sau khi mô hình kết thúc. Cũng như tạo nên sự lan tỏa, nhân rộng mô hình canh tác giống lúa ST 24, ST 25 trong vùng tôm - lúa, vùng chuyên lúa; xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm “lúa an toàn” bền vững cho địa phương. Đồng thời, tạo được sự liên kết trong cộng đồng, giúp nông dân giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, cùng nhau nâng cao thu nhập.

Không chỉ thế, về môi trường sẽ tạo ra quy trình canh tác thông minh, tiết kiệm chi phí, hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, “canh tác lúa an toàn, bền vững từng bước hướng đến quy trình hữu cơ” không tác động xấu tới môi trường, đảm bảo cho việc sản xuất được lâu dài và bền vững. Góp phần kích thích nông dân mạnh dạn đầu tư, chủ động mở rộng quy mô sản xuất theo hướng bền vững, khai thác tốt nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường. 

Ông Nguyễn Mạnh Triều - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ và đầu tư Cửu Long (huyện Vĩnh Lợi): Đẩy mạnh liên kết hợp tác với nông dân để phát huy giá trị con tôm sạch

Ông Nguyễn Mạnh Triều (bên phải, hàng đầu) - Phó Chủ tịch HĐTQ Công ty CP công nghệ và đầu tư Cửu Long ký kết bao tiêu tôm sạch cho HTX Quyết Tâm (huyện Phước Long).

Con tôm được nuôi trên đất lúa được xác định là tôm sạch, bởi vì người nuôi không sử dụng thuốc hay bất kỳ hóa chất nào trong suốt thời gian nuôi; mật độ nuôi thưa, không cho ăn thức ăn bổ sung, tôm tận dụng thức hoàn toàn từ môi trường tự nhiên. Đặc biệt, mô hình nuôi luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ tôm được xem là mô hình thông minh, giúp cho người nông dân tăng thêm thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu do nước mặn xâm nhập. Mô hình này đã được chọn thí điểm để đánh giá là đủ theo tiêu chuẩn ASC do Liên minh châu Âu tài trợ.

Để cho tôm sinh thái sạch đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất, Công ty CP công nghệ và đầu tư Cửu Long đã ký liên kết với người nuôi tôm để cung cấp ra thị trường 2 dòng sản phẩm tôm sú sinh thái: tôm đông IQF từ tôm sú sống và tôm sú tươi với tên thương mại là “Tôm NIDTICO”.

Để phát huy giá trị từ con tôm sinh thái gắn với mô hình “lúa thơm, tôm sạch”, công ty đã và đang đẩy mạnh liên kết hợp tác với nông dân. Thông qua mối liên kết này, công ty sẽ mua trực tiếp từ người nuôi và bảo đảm giá thu mua luôn cao hơn của đơn vị khác là 5%, nếu người nuôi bán tôm ôxy thì doanh thu tăng thêm hơn 10 triệu đồng/ha. Điều này sẽ đảm bảo thu nhập ổn định và bền vững cho người nuôi tôm.

Với mong muốn giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận và phát huy giá trị vốn có từ con tôm sạch, bà con nông dân cần tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử Chợ nông sản Việt tại địa chỉ website: www.cnsv.vn. Qua đó, chủ động nắm bắt thông tin để giao dịch theo hướng có lợi nhất và bán được giá cao, cũng như tạo nên thói quen giao dịch điện tử và tránh trường hợp bị chèn ép giá.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.