Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Huyện Vĩnh Lợi: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững
Hai năm qua, huyện Vĩnh Lợi tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành Nông nghiệp huyện không ngừng phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, từng bước xây dựng chuỗi giá trị, phát triển liên kết sản xuất để nâng cao đời sống nông dân.
Ông Trần Văn Út, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi tặng giấy khen cho nông dân sản xuất giỏi cấp huyện.
Nông dân xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: M.Đ
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XI về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Vĩnh Lợi tập trung đầu tư nạo vét hệ thống kênh mương thủy lợi theo hướng tiểu vùng ô đê bao khép kín gắn với đầu tư xây dựng trạm bơm nước để phục vụ sản xuất lúa. Ông Đặng Văn Xê, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Giai đoạn 2016 - 2017, huyện đầu tư nạo vét 55 kênh cấp 3 và cấp 3 vượt cấp với chiều dài gần 157km; 156 kênh nội đồng với chiều dài gần 176km. Đồng thời đầu tư xây dựng 4 trạm bơm nước và 16 cống khép kín, nâng tổng số toàn huyện có 8 trạm bơm nước, phục vụ tưới tiêu khoảng 960ha”.
Để tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, huyện đã xây dựng các cánh đồng mẫu lớn và cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch… Nông dân sử dụng 100% lúa chất lượng cao để gieo sạ, và chỉ sử dụng từ 1 - 2 loại lúa giống. Cùng với đó, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng. Từ đó, thu nhập bình quân năm 2017 ước đạt 100 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, huyện cũng phát triển ổn định sản xuất cây rau, màu chuyên canh theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2017, toàn huyện có khoảng 3.750ha trồng rau màu. Chủ yếu là các loại cải, dưa leo, dưa hấu, bầu bí, hành hẹ, rau mùi… Sản lượng thu hoạch ước đạt 42.750 tấn, tăng 1.550 tấn so với năm 2016. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng mô hình trồng rau màu trong nhà lưới và ứng dụng hệ thống tưới nước tự động. Các địa phương trong huyện khuyến khích nông dân tận dụng bờ kênh, bờ bao vuông tôm trồng rau màu và đưa màu xuống rộng… Ngành chức năng cũng hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng cao giá trị nông sản.
Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất
Huyện Vĩnh Lợi đã phối hợp với các ngành chức năng tỉnh triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa hiệu quả như mô hình cánh đồng mẫu lớn, chương trình IMP, “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, mô hình nhân giống lúa Tài nguyên sữa an toàn… Nhiều mô hình, cách làm hay được nông dân ứng dụng thành công, như nông dân sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt (VietGAP) bước đầu đem lại hiệu quả cao. Thực hiện chủ trương cơ giới hóa phục vụ sản xuất, huyện khuyến khích nông dân đầu tư máy gặt đập liên hợp để giảm thất thoát trong thu hoạch lúa. Đến nay, toàn huyện có 44 máy gặt đập liên hợp, 22 máy cày lớn, 44 lò sấy… cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sơ chế nông sản của nông dân.
Cùng với đó, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp mở lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng giống mới, vật tư nông nghiệp, thực hiện các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời chỉ đạo ngành chức năng làm cầu nối với 11 công ty, doanh nghiệp bao tiêu lúa cho gần 2.000ha của nông dân.
Ông Trần Văn Út, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi, cho biết: “Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, huyện chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, nhân rộng các mô hình hợp tác sản xuất hiệu quả, quy hoạch sản xuất, tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Ưu tiên nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở đảm bảo phục vụ sản xuất. Tăng cường liên kết với các viện, trường và doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất để tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân”.
Minh Châu