Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Huyện Phước Long: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền huyện Phước Long luôn đặt nông nghiệp - nông thôn - nông dân ở vị trí chủ thể, là cơ sở để phát triển bền vững. Với mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập của người dân, huyện tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, hiện đại, tiến đến hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững.
Thị trấn Phước Long nhìn từ trên cao. Ảnh: C.L
LỒNG GHÉP NHIỀU GIẢI PHÁP
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện Phước Long tập trung tuyên truyền để cán bộ và Nhân dân nhận thức rõ cơ chế vận hành của chương trình là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”. Các cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn chỉ đạo và hỗ trợ triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tháo gỡ vướng mắc, động viên các xã chủ động khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Là huyện thuần nông, do đó, để nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân trên địa bàn, huyện đã cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và triển khai thực hiện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, xác định các lĩnh vực mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và tiềm năng phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Điển hình như mô hình trồng bắp nếp, mướp hương, dưa hấu, rau cần nước… Song song đó, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng khép kín hệ thống hạ tầng thủy lợi nhằm giúp nông dân chủ động trong sản xuất, hạn chế thấp nhất những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tiến hành nạo vét 4 kênh thủy lợi với tổng chiều dài 11.064m, sên vét 23 kênh thủy nông nội đồng, dài 29.846m. Để giúp nông dân chủ động trong khâu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, huyện đã kêu gọi và ký kết bao tiêu với nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh với diện tích 31.835ha.
Từ khi cuộc sống ổn định, khá giả, nhiều nông dân trên địa bàn huyện không ngại góp công, góp của, cùng với các cấp chính quyền địa phương ra sức hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cũng như gìn giữ và không ngừng nâng chất các tiêu chí đã đạt. Ông Trần Văn Trí (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) chia sẻ: “Từ khi có chương trình xây dựng NTM, tôi thấy bộ mặt xóm, ấp mình rất nhiều đổi khác. Đường sá, trường học, điện chiếu sáng, trạm y tế… đều được đầu tư xây dựng khang trang, tôi và bà con trong xóm rất phấn khởi và cũng kêu gọi nhau chung sức, đồng lòng cùng với chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để huyện nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp”.
Xác định phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, nông nghiệp xanh là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài, huyện tích cực thực hiện chuyển giao các quy trình canh tác tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước trong sản xuất hoa màu, ứng dụng công nghệ trong canh tác lúa, kiểm soát dịch bệnh... Nhờ đó, nông dân trên địa bàn huyện đã xây dựng thành công nhiều cánh đồng lớn, vùng chuyên canh lúa, hoa màu chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường cả trong và ngoài tỉnh. Đến nay, huyện có 28 sản phẩm OCOP, trong đó: 14 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao. Việc phát triển nông nghiệp một cách bền vững đã mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Mô hình xen canh tôm - lúa ở xã Phước Long.
HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI
Thời gian tới, huyện Phước Long tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, gắn với xây dựng NTM theo Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trên cơ sở quy hoạch, từng xã, thị trấn tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản; bố trí cơ cấu hợp lý ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương gắn với thị trường tiêu thụ.
Đưa màu xuống ruộng - một trong những mô hình giúp nâng cao thu nhập cho người dân xã Vĩnh Phú Đông.
Rà soát, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Cơ cấu lại ngành Chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia súc, gia cầm, trong đó ưu tiên phát triển gia cầm gắn với bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.
Nói về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Chí Thiện - Bí thư Huyện ủy Phước Long đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của cán bộ và Nhân dân cùng đóng góp xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống Mặt trận - Dân vận đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cũng như thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước để thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, góp phần cùng với Đảng bộ huyện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
CHÍ LINH
- Chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025
- Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Nam
- TP. Bạc Liêu: Khởi công xây dựng 18 căn nhà thuộc Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
- Vô tư chạy xe máy “đầu trần” trong trung tâm xã
- Cảnh giác với thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh, video “nhạy cảm” để cưỡng đoạt tài sản