Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Huyện Hồng Dân: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất
Thời gian qua, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên huyện Hồng Dân có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao. Theo đó, tổng sản lượng lúa đạt trên 219.700 tấn/năm, thủy sản đạt 32.400 tấn/năm. Những mô hình sản xuất ứng dụng khoa học - kỹ thuật tạo thu nhập ổn định cho nông dân trung bình trên 50 triệu đồng/ha/năm.
Huyện Hồng Dân tổ chức đại hội thường niên Hợp tác xã nông nghiệp. Ảnh: K.P
Thời gian qua, huyện Hồng Dân phối hợp với Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật tỉnh cùng các doanh nghiệp xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hàng ngàn lượt nông dân trong huyện nhằm hướng tới mục tiêu đưa kinh tế nông nghiệp từng bước đi vào sản xuất hàng hóa trong chuỗi liên kết 4 nhà, tạo thương hiệu nông sản an toàn phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, nông dân xã Ninh Hòa đã áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng” và “1 phải - 5 giảm” với việc sử dụng kết hợp các chế phẩm bảo vệ thực vật và quản lý dịch hại tổng hợp IPM ở lúa đông xuân năm 2016 - 2017 (mô hình duy nhất được thực hiện trong tỉnh).
Qua thực tế sản xuất đối chứng trên cùng một cánh đồng, việc ứng dụng mô hình kết hợp trên đã giúp nông dân lợi nhuận hơn 28 triệu đồng/ha/vụ (tăng gần 6 triệu đồng so với ruộng sản xuất theo phương pháp không áp dụng mô hình này). Đồng thời đảm bảo chất lượng gạo an toàn cũng như giữ gìn môi trường sinh thái bền vững trên đồng ruộng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Mô hình trên sẽ được nhân rộng ra toàn huyện và tỉnh trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu vào của nông sản và sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, vấn đề quan trọng hiện nay không chỉ là tăng năng suất, mà còn phải đảm bảo các khâu như giảm chi phí đầu tư, an toàn môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng sản phẩm với những mô hình sản xuất nông sản sạch. Bên cạnh đó, cần liên kết bao tiêu ổn định đầu ra, giúp nông dân nâng cao thu nhập và lợi nhuận trên cùng diện tích. Như vậy, trong chuỗi liên kết "4 nhà", nông dân cần thực hiện triệt để quy trình khoa học - kỹ thuật đã được chuyển giao. Qua đó ứng dụng, tổng kết, rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng tại địa phương.
Ông Phan Thanh Duy, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho rằng: “Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm của mình, Hồng Dân tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất, tăng cường phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để liên kết sản xuất. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các quy định về ô nhiễm môi trường, giữ vững vùng tôm - lúa phát triển ổn định, đẩy mạnh mô hình nuôi tôm sạch và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ”.
KIM PHƯỢNG