Đồng hành với nông dân tìm đầu ra cho nông sản

Thứ Hai, 01/05/2023 | 15:57

Để giúp nông dân giải bài toán “được mùa, mất giá”, sản phẩm nông sản có địa chỉ tiêu thụ cụ thể, từng bước hướng đến sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, Bạc Liêu đã và đang áp dụng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích cả người sản xuất lẫn đơn vị cung ứng sản phẩm nông nghiệp hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. 

HÌNH THÀNH CHUỖI GIÁ TRỊ

Điều kiện tự nhiên đặc thù với 3 vùng sinh thái mặn, ngọt, lợ đan xen, Bạc Liêu là tỉnh có nguồn nông sản, thủy hải sản phong phú. Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại được đầu tư xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại đã giúp mở rộng kênh giao thương, kết nối, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản ngày càng thuận lợi, bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường. Đồng thời, dần hình thành sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết và đây là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng. Bên cạnh đó, việc thực hiện hợp đồng một cách nghiêm túc cũng là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường nói chung, lĩnh vực kinh doanh nông sản nói riêng.

Hiện nay, có 3 hình thức liên kết chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Trong đó, hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ khá phổ biến. Đây là kiểu liên kết dọc giữa doanh nghiệp và nông hộ, hợp đồng được ký ở đầu vụ và ấn định thời điểm sản xuất, giao hàng, số lượng, yêu cầu chất lượng và giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp có thể cung cấp tín dụng, cung ứng vật tư, máy móc, tư vấn kỹ thuật cho nông hộ, nhưng doanh nghiệp cũng có quyền từ chối mua sản phẩm không đạt chất lượng. Về bản chất, mô hình liên kết này tích hợp nông hộ vào chuỗi giá trị trên phạm vi toàn vùng, toàn quốc và thậm chí toàn cầu khi có sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia. Ông Võ Đức Toàn - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Phát (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân), chia sẻ: “Trước đây, nông dân có thể làm riêng và tự hưởng, nhưng trong cơ chế thị trường như hiện nay thì cần phải liên kết lại, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cùng nhau thì mới phát triển bền vững và có đủ nội lực để vượt qua những khó khăn, thách thức do điều kiện tự nhiên, biến động về giá cả thị trường”.

Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình) cấp phát lúa giống chất lượng cao cho nông dân huyện Phước Long. Ảnh: C.L

CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP DÀI HƠI

Dù đã không ngừng nỗ lực trong việc thúc đẩy phát triển, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản cũng như sức cạnh tranh trên thị trường, tuy nhiên cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, phần lớn các sản phẩm của người nông dân sản xuất ra không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm không được đăng ký nhãn hiệu, thiếu quy trình sản xuất, không có đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, sản xuất thường mang tính chất cầm chừng, tự cung, tự cấp, dẫn đến việc nông dân sản xuất thiếu định hướng, chủ yếu sản xuất tự phát, không đạt năng suất, chất lượng sản phẩm. Xét ở góc độ khoa học, sản phẩm của nông dân sản xuất ra được thị trường chấp thuận phải qua khâu đăng ký nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác và phải có đơn vị đứng ra bao tiêu. Nghĩa là, giữa người sản xuất và người tiêu dùng phải qua một khâu trung gian (đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm). Để tạo nên một chuỗi giá trị sản phẩm có hiệu quả cao, các đối tượng tham gia chuỗi phải có sự phối hợp đồng đều và chặt chẽ với nhau.

Nhằm từng bước giúp sản phẩm nông nghiệp Bạc Liêu tăng tính cạnh tranh, khẳng định được chất lượng, mẫu mã sản phẩm thì các cá nhân, đơn vị sản xuất phải liên kết với nhau sản xuất tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, ổn định, tránh việc nguồn hàng bị gián đoạn ảnh hưởng đến khâu lưu thông. Đồng thời xây dựng bao bì, mẫu mã sản phẩm đối với các thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn đã qua chứng nhận chất lượng để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết và chủ động tìm kiếm tiêu thụ. Ông Lê Văn Tần - Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Trên cơ sở chính sách khuyến khích, hỗ trợ lãi suất của tỉnh và địa phương thì các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn thành lập, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, đơn vị cung ứng, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Từ đó khảo sát, tìm kiếm thị trường, xây dựng phương án, kế hoạch thu mua sản phẩm nông nghiệp cung ứng cho đơn vị tiêu thụ. Trong quá trình cung ứng, nguồn hàng đã được đa dạng, ổn định, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Từ đó giúp cho các mặt hàng nông sản của huyện từng bước xây dựng được thương hiệu, có thị trường đầu ra ổn định”.

Bằng tình cảm và trách nhiệm đối với nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cần tạo điều kiện tối đa trong việc bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển bền vững, góp phần tích cực xây dựng thành công chương trình nông thôn mới.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.