Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ mới vào nuôi tôm: Cần những mô hình đột phá

Thứ Hai, 26/03/2018 | 16:20

Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 138.900ha, cho tổng sản lượng đạt gần 210.780 tấn/năm, Bạc Liêu được xếp vào tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh cho phát triển nghề nuôi tôm. Đặc biệt, từ khi Chính phủ chọn Bạc Liêu làm thủ phủ nuôi tôm công nghiệp của cả nước, thế mạnh này càng được phát huy và hứa hẹn tạo nên những đột phá mới.

Các doanh nghiệp nghe giới thiệu quy trình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Bạc Liêu.

Khởi công xây dựng biểu tượng con tôm lớn nhất Việt Nam tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Ảnh: L.D

Để phát triển mạnh nghề nuôi tôm, thời gian qua Bạc Liêu đã có nhiều tiến bộ trong việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới vào nuôi tôm. Đến nay, Bạc Liêu có thể tự hào là địa phương đi đầu cả nước về việc đưa các công nghệ mới vào sản xuất. Đó là việc ứng dụng công nghệ kiểm soát các chỉ tiêu môi trường tự động, nuôi tôm trong nhà kín theo quy trình an toàn sinh học, sử dụng công nghệ biofloc ít thay nước trong 2 tháng đầu, sử dụng chíp điện tử để quản lý, kiểm soát các yếu tố môi trường, cho ăn bằng máy, sử dụng chíp quản lý chất lượng tôm giống bố mẹ, sử dụng công nghệ điện toán đám mây trong quy trình nuôi... Tất cả những ứng dụng trên đều giúp người nuôi tôm quản lý, kiểm soát gần như toàn bộ quá trình nuôi, kịp thời phát hiện dịch bệnh, xử lý môi trường và hướng đến tự động hóa. Đồng thời, đảm bảo cho nuôi tôm mang lại hiệu quả, lợi nhuận và không để xảy ra tình trạng dịch bệnh, ô nhiễm môi trường sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7 công ty, doanh nghiệp và hơn 120 nông dân ứng dụng các công nghệ cao này phục vụ phát triển tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh, với năng suất đạt từ 23 - 25 tấn/ha/vụ.

Tuy nhiên, để chuyển giao mô hình này cho nông dân không phải là chuyện dễ làm và cần sự quyết tâm cùng những giải pháp của nhiều ngành, nhất là phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong liên kết sản xuất với nông dân. Ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho rằng: “Nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm theo công nghệ của CP rất hiệu quả, nhưng chủ yếu tập trong ở những nông dân có vốn, còn không vốn rất khó áp dụng vì chi phí đầu tư cao. Do đó, cần tạo điều kiện về vốn vay từ các ngân hàng để đầu tư cho nông dân”.

Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn đầu tư, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện... nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất. Năng lực ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn hạn chế; liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm còn chưa nhiều, nông dân và doanh nghiệp còn chưa được gắn kết chặt chẽ...

Từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản mà thế mạnh là nuôi tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, sản lượng thủy sản đạt 370.000 tấn và mang về kim ngạch xuất khẩu trên 755 triệu USD không phải là chuyện dễ làm trong điều kiện Bạc Liêu còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ hoàn thành và đưa Khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhân rộng và chuyển giao các mô hình nuôi tôm tiên tiến cho nông dân, còn phải giải quyết cho được bài toán nâng cao giá trị cho con tôm, giúp con tôm tạo ra nhiều giá trị gia tăng và hướng đến xây dựng thương hiệu cho con tôm Bạc Liêu nói riêng và thương hiệu tôm Việt nói chung.

KIM TRUNG

Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh: “Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được hiệu quả và tính bền vững. Vì vậy, vấn đề cần được ngành Nông nghiệp, các địa phương quan tâm là tạo sức lan tỏa để mô hình này được chuyển giao cho nông dân. Muốn vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, vì nông dân đang cần một mô hình nuôi tôm đột phá”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.