Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Đẩy mạnh thu hút đầu tư và liên kết trong sản xuất nông nghiệp
Từ lâu, Bạc Liêu được biết đến là một tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh cho phát triển nông nghiệp. Bởi với điều kiện sinh thái đặc thù bao gồm cả vùng mặn, vùng ngọt và vùng lợ nên Bạc Liêu có thể phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau, nhất là phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa hàng hóa.
Nông dân Bạc Liêu thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở huyện Phước Long.
Khai thác đánh bắt thủy sản - một trong những thế mạnh về kinh tế của Bạc Liêu. Ảnh: L.D
GIÀU TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH
Bạc Liêu là tỉnh đồng bằng ven biển thuộc vùng ĐBSCL, có diện tích đất tự nhiên hơn 2.468km2. Trong đó, đất dùng vào sản xuất nông nghiệp trên 2.245km2, chiếm 90,95% diện tích tự nhiên và vùng đất mặt nước ven biển 102,22km2, cùng 56km bờ biển và một ngư trường rộng lớn (vùng đặc quyền kinh tế biển rộng 20.742km2) rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện.
So với những địa phương khác, điều kiện thời tiết ở Bạc Liêu ôn hòa, ít xảy ra bão lớn hay thiên tai; tài nguyên đất đai, nguồn nước, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển khá đồng bộ nên rất thuận lợi cho việc đầu tư các dự án sản xuất hàng hóa lớn. Không chỉ thế, nguồn lao động của tỉnh dồi dào và xếp vào nhóm trẻ với hơn 6.300 lao động trong độ tuổi.
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh không ngừng phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, và nhiều đề án cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp… Gắn với đó là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp. Trong đó, khuyến khích đầu tư vào các ngành giàu tiềm năng, có nhiều lợi thế, tạo ra khả năng cạnh tranh cao như: nuôi tôm sú, tôm thẻ, cua biển, nhuyễn thể, lúa gạo, các loại rau và muối thực phẩm..., nhất là liên kết sản xuất với nông dân thông qua mô hình chuỗi sản xuất khép kín, hoặc bao tiêu sản phẩm.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, các mô hình sản xuất này ngày càng chứng minh tính hiệu quả và bền vững cao. Như mô hình nuôi tôm khép kín, trong nhà kín cho năng suất 60 - 70 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt 200 tấn/ha/năm; doanh thu bình quân trên 170 triệu đồng/ha mặt nước nuôi trồng.
ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ
Để phát huy các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực này và xem đây là khâu đột phá cho nền kinh tế.
Mới đây, tại hội nghị triển khai kế hoạch chuỗi sự kiện thu hút đầu tư (sẽ diễn ra trong tháng 1/2018), ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: “Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Bạc Liêu đã xác định được hướng phát triển trong thời gian tới và tập trung vào 3 lĩnh vực trụ cột. Thứ nhất là phát triển nông nghiệp, trực tiếp là con tôm và trọng tâm là Khu nông nghiệp ứng dụng cao về nuôi tôm; sản xuất, bao tiêu lúa gạo và nâng giá trị nông sản; thứ hai là phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); và cuối cùng là phát triển có trọng tâm các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giáo dục và y tế chất lượng cao”.
Để thực hiện tốt mục tiêu chiến lược và mang tính hàng đầu, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các ngân hàng, định chế tài chính cho doanh nghiệp, nông dân vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Coi trọng phát triển thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng; củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa nông thôn. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các phương án hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường; nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai. Tăng thu nhập cho người sản xuất trên cơ sở tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhóm người nghèo và cận nghèo ở nông thôn tham gia vào quá trình tăng trưởng nông nghiệp thông qua hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ duy trì sản xuất và thu nhập, tăng khả năng tiếp cận thị trường phi nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế cho cư dân nông thôn...
Bên cạnh đó, sẽ tập trung thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời chủ động đề ra các giải pháp, mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện tái cơ cấu đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện. Rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn vốn đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao chất lượng quá trình lựa chọn dự án; chấm dứt tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải; loại bỏ các dự án treo, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Kiện toàn hệ thống tổ chức của ngành đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, nhanh nhạy, thông suốt, chủ động, hiệu lực và hiệu quả. Xây dựng đội ngũ công chức hành chính, viên chức sự nghiệp, chuyên gia giỏi về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...
KIM TRUNG