Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Cộng đồng trách nhiệm để bảo vệ môi trường nuôi tôm
Trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, con tôm được xem là đối tượng nuôi chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại, nạn ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình nuôi và việc lạm dụng các hóa chất cấm trong nuôi tôm đã đến mức cảnh báo.
Mô hình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước của nông dân xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: C.L
Gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường
Trong cải tạo, xử lý ao đầm nuôi tôm, nông dân xả thải bùn từ đáy ao ra các kênh nội đồng gây ô nhiễm nguồn nước. Hoặc khi tôm bệnh chết, người nuôi cũng xả thải nước ô nhiễm ra các kênh nội đồng mà không đưa vào hệ thống ao lắng để xử lý, hay thông báo cho ngành quản lý để có biện pháp can thiệp. Từ đó tạo nên vòng luẩn quẩn: người thải nước ô nhiễm, người lại lấy nguồn nước ô nhiễm để nuôi tôm làm dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Đó là chưa nói đến việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong cải tạo, xử lý nước để nuôi thủy sản, gây tác động xấu đến môi trường. Thậm chí không ít trường hợp còn làm cạn kiệt nguồn nước ngọt và ô nhiễm nguồn nước ngầm từ việc khoan cây nước để hạ độ mặn ở các đồng tôm khi vào mùa hạn… Từ việc khảo sát, lấy mẫu và phân tích chất lượng nước của ngành Tài nguyên - Môi trường những năm qua cho thấy, nhiều nơi môi trường nước, đất bị ô nhiễm nặng nề và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, việc sên vét, cải tạo ao đầm không khoanh khu chứa mà thải thẳng ra môi trường cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng thêm.
Với thâm niên 22 năm nuôi tôm, theo ông Phạm Văn Chu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu): “Vấn đề môi trường là điều mà hầu hết người nuôi tôm hiện nay rất trăn trở. Nuôi tôm quan trọng nhất là nguồn nước, nước có sạch thì tôm mới phát triển tốt. Nếu nguồn nước thải từ ao tôm bị ô nhiễm, người dân lân cận cũng bị ảnh hưởng theo, dịch bệnh sẽ tác động lại đối với đầm tôm mình”.
Chung tay hành động
Tình trạng ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm ngày càng nghiêm trọng đang là vấn đề đáng lo ngại, cần được giải quyết và quản lý triệt để nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành tôm. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về môi trường là giải pháp bền vững lâu dài cho môi trường nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Để góp phần bảo vệ môi trường (BVMT) và hướng đến phát triển bền vững, mới đây, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thành lập Câu lạc bộ “Nuôi trồng thủy sản bền vững tỉnh Bạc Liêu” (gọi tắt là CLB).
Tham gia CLB, các hội viên sẽ được giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm; hỗ trợ xử lý các tình huống rủi ro khẩn cấp thường gặp trong nuôi tôm; kiểm tra các thông số môi trường ao nuôi trước, trong và sau thả nuôi... góp phần từng bước hình thành cộng đồng nuôi tôm có trách nhiệm, gắn mục tiêu phát triển nghề nuôi tôm với mục tiêu BVMT và hệ sinh thái bền vững. Phát biểu tại buổi ra mắt CLB, bà Thạch Thị Duyên Thy - Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Các thành viên tham gia CLB sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh - tuần hoàn - cách ly dịch bệnh - triệt tiêu các nguyên nhân gây ra rủi ro, hướng tới mục tiêu nuôi tôm đạt chuẩn ASC và hỗ trợ người nuôi tôm giảm chi phí, giảm nhân công và giảm ô nhiễm môi trường”.
Ngày nay, việc nuôi tôm chủ yếu dựa vào khoa học - kỹ thuật, người nuôi tôm cần lựa chọn phương pháp nuôi phù hợp, đặc biệt là xây dựng khu nuôi bài bản và có phương pháp phòng trị bệnh hiệu quả, tránh lạm dụng thuốc thủy sản. Ông Đào Minh Ngọc - Giám đốc Hợp tác xã 30/4 (huyện Hòa Bình) cho biết: “Gia đình tôi có 7ha nhưng chỉ nuôi 6.000m2, chừa lại diện tích để chứa bùn, chứa thải… Để BVMT bền vững, phục vụ phát triển sản xuất lâu dài, theo tôi ngành quản lý nên có những quy định cụ thể về diện tích nuôi, diện tích dùng để xử lý chất thải, nước thải phát sinh trong quá trình nuôi và kiên quyết xử lý các hộ nhiều lần vi phạm về BVMT để răn đe, hạn chế các trường hợp vi phạm”.
Bên cạnh đó, đối với xử lý nước thải và chất thải rắn, tùy thuộc vào điều kiện quy mô và loại hình hoạt động mà sử dụng các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vệ sinh phòng dịch theo quy định của pháp luật về BVMT, vệ sinh thú y. “Cùng với việc hỗ trợ người nuôi tôm trong phòng ngừa và xử lý dịch bệnh, đơn vị còn hướng dẫn cách xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, được sên vét, cải tạo thường xuyên, đảm bảo không bị bồi lắng, tồn đọng gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực. Cùng với thực hiện tốt các quy định trên, huyện còn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân để chung tay BVMT sản xuất xanh - sạch và hướng đến tăng trưởng xanh”, ông Hồ Thanh Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, cho biết.
Chí Linh
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc