Chuẩn bị tốt cho xuống giống vụ lúa hè thu 2024

Thứ Hai, 27/05/2024 | 15:47

Những cơn mưa đầu mùa không chỉ giúp giải nhiệt sau đợt nắng nóng kéo dài mà còn giúp cho lượng nước ngọt trên các tuyến kênh nội đồng, mặt ruộng tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân cải tạo, vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị xuống giống vụ hè thu 2024 đúng theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.

Cải tạo đất, chuẩn bị xuống giống vụ hè thu ở huyện Vĩnh Lợi.

TẤT BẬT CẢI TẠO ĐẤT

Sau nhiều ngày phơi mình dưới cái nắng như đổ lửa, mặt ruộng ở hầu hết các địa phương đều khô cằn, nứt chân chim, nhưng chỉ sau vài cơn mưa nặng hạt đầu mùa đã giúp đất mặt ruộng no nước, mềm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cày ải, trục bừa, vệ sinh đồng ruộng. Có mặt tại ấp Trà Hất (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) vào lúc sáng sớm, chúng tôi nhận thấy hầu hết trên các cánh đồng đều có nông dân làm việc. Theo bà con nơi đây chia sẻ, điều kiện thời tiết những năm gần đây khá thất thường nên người làm ruộng không “mạo hiểm” cải tạo đất xuống giống sớm mà thực hiện đúng theo khung lịch thời vụ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Hiện, nông dân đang tiến hành cày ải, trục bừa, chang mặt ruộng cho bằng phẳng để chuẩn bị xuống giống. Điểm mới trong sản xuất vụ hè thu của nông dân trên địa bàn Vĩnh Lợi những năm gần đây là áp dụng việc sạ chìm. Lợi ích của việc sạ chìm không chỉ giúp tránh chuột phá hại lúa non, hạn chế cỏ dại mà còn giúp cho cây lúa phát triển nhanh, cứng rễ. Tuy nhiên, cái khó của cách làm này là nếu cải tạo đất không kỹ thì lúa rất dễ bị thối rễ, ốc bươu vàng cắn phá gây thiệt hại ngay từ đầu vụ. Ông Trịnh Văn Tưởng (ấp Trà Hất, xã Châu Thới) chia sẻ: “Mấy đám mưa đầu mùa vừa qua giúp cho việc cải tạo đất của nông dân khá thuận lợi. Vụ này tôi cũng như mấy hộ liền kề quyết định sạ chìm, không áp dụng sạ theo cách cũ vì sợ bị chuột cắn phá hư hết”.

Đầu vụ này, hầu hết các loại chi phí như: dọn cỏ, cày, bừa, trục, chang đất, phân bón lót, lúa giống… đều khá bình ổn, không tăng nhiều so với cuối vụ trước nên nông dân không phải lo lắng vấn đề phát sinh thêm chi phí. Bên cạnh đó, các vùng canh tác lúa ổn định, hệ thống trạm bơm tập trung, ô đê bao đều được đầu tư xây dựng kiên cố, đồng bộ nên cũng hỗ trợ tốt cho việc cải tạo đồng ruộng của  nông dân.

Nông dân TX. Giá Rai xuống giống vụ lúa hè thu. Ảnh: C.L

CHỦ ĐỘNG VÀO VỤ SẢN XUẤT

Căn cứ tình hình thời tiết, từ giữa tháng 4/2024, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch lịch thời vụ và cơ cấu giống gieo sạ cho từng vùng, địa phương để tránh việc bà con xuống giống đồng loạt gây áp lực cho công tác điều tiết, quản lý nguồn nước, cũng như hạn chế việc thu hoạch rộ vào cuối vụ khiến cho đội máy cắt không kịp gây ảnh hưởng đến năng suất, thu nhập của nông dân.

Theo đó, Phòng NN&PTNT các địa phương đã xây dựng khung lịch riêng phù hợp với điều kiện sản xuất trên địa bàn, nhưng vẫn tuân thủ khung lịch chung mà tỉnh đã đưa ra. Nhiều nông dân cũng hoạch định rõ cho mình kế hoạch sản xuất từ việc lựa chọn giống lúa, thời gian xuống giống đến mật độ gieo sạ. Nông dân Võ Văn Mẫn (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình), cho biết: “Năng suất lúa vụ hè thu năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết. Do đó, tôi và nhiều bà con đều tiến hành cải tạo đất đồng loạt, thời điểm xuống giống thì thực hiện đúng theo thời gian khuyến cáo của ngành chuyên môn. Bởi, khi đưa ra khung lịch thời vụ, ngành Nông nghiệp đã nghiên cứu và đánh giá kỹ tình hình, mình cứ tin tưởng mà làm theo”.

Từ những kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp cho thấy, khâu lúa giống là yếu tố quan trọng, giữ vai trò quyết định đến năng suất lúa cũng như chất lượng hạt gạo. Việc xác định được giống lúa phù hợp với điều kiện thời tiết theo từng mùa vụ còn giúp nông dân tiết giảm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất, cải thiện được lợi nhuận. Vì vậy, bên cạnh yêu cầu tuân thủ đúng theo khung lịch thời vụ đã được khuyến cáo, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng lưu ý nông dân cần ưu tiên lựa chọn các giống lúa cấp xác nhận có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thời tiết mưa bão vụ hè thu.

Với các loại giống chủ lực gồm: Đài thơm 8, OM5451, OM18; RVT, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo bà con cần kết hợp cơ giới hóa trong gieo sạ và cấy nhằm giảm lượng giống gieo sạ, tiết giảm một phần chi phí đầu tư ban đầu. Do đó, bà con nên liên hệ với những cơ sở cung ứng lúa giống có uy tín để mua được những loại giống cấp xác nhận, đạt tiêu chuẩn chất lượng, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Khi sử dụng giống lúa cấp xác nhận vào sản xuất, nông dân nên kết hợp sạ thưa, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ để giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh ngay từ đầu.

Từ khung lịch chung đã được khuyến cáo, ngành chuyên môn lưu ý nông dân cần thường xuyên theo dõi tình hình nguồn nước, thời tiết để bố trí thời điểm xuống giống sao cho phù hợp với điều kiện tại từng vùng sản xuất khác nhau. Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Vụ lúa hè thu thường là vụ mà nông dân gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh gây ra. Do đó, Sở đã phối hợp với các địa phương theo dõi, nắm sát tình hình từ nguồn nước, lúa giống, phân bón để kịp thời cung ứng, cũng như đưa ra các khuyến cáo cho bà con ngay từ đầu vụ. Đồng thời, kiểm tra, gia cố, xử lý các trạm bơm tập trung để sẵn sàng các phương án tháo nước, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ, bảo vệ trà lúa hè thu cho bà con”.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, diện tích xuống giống vụ hè thu năm nay của tỉnh khoảng 58.000ha. Thực tế tình hình sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua cho thấy, việc tuân thủ tốt khung lịch thời vụ cùng giải pháp xuống giống xen kẽ đã giúp nông dân có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc bố trí sản xuất, khởi động mùa vụ mới với niềm tin tiếp tục đạt được một vụ sản xuất thắng lợi.

KHÔI NGUYÊN

Kỹ thuật chăm sóc lúa vụ hè thu

Dưới đây là một số kỹ thuật cơ bản giúp ích cho nông dân trong sản xuất vụ hè thu.

Để điều tiết mực nước hợp lý và giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, cần tháo bớt nước ở các chân đất đọng nước.

Đối với các chân gò, cần cho nước vào sao cho mực nước trên ruộng khoảng 2 - 3cm để gốc lúa tiếp xúc với ánh sáng, giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe. Nếu để ruộng khô nước hoặc nước quá nhiều đều ảnh hưởng đến quá trình đẻ nhánh. Sau mỗi trận mưa lớn, cần chủ động tháo nước, hạn chế ngập úng.

Để đạt được năng suất cao nhất, việc bón phân và chăm sóc lúa vụ hè thu là rất quan trọng. Đầu tiên, giai đoạn bón lót cho cây lúa cần được thực hiện đúng cách. Sau đó, trong giai đoạn bón sau sạ cho lúa từ 7 - 10 ngày, nên sử dụng phân bón NPK để đảm bảo cây lúa được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Để phòng trừ tốt các loại sâu bệnh, nông dân cần chuẩn bị phương pháp phòng, chống các loại sâu bệnh thông qua khuyến cáo của ngành Nông nghiệp để biết mà phòng trừ kịp thời.

Cách phòng bệnh tốt nhất là bà con  nên thường xuyên đi thăm đồng, kiểm tra ruộng để chủ động phát hiện sâu bệnh và phòng trừ ngay, phòng trừ càng sớm càng tốt. Ngoài ra, nông dân cũng cần lưu ý các phát sinh trong quá trình canh tác để đảm bảo sản lượng và chất lượng lúa tốt nhất như: Căn cứ vào đặc điểm đất đai, đặc tính, tiềm năng năng suất của từng giống lúa để đầu tư đảm bảo yêu cầu của quy trình kỹ thuật thâm canh. Trong vụ hè thu, thực hiện nguyên tắc bón “nặng đầu, nhẹ cuối”, cân đối giữa phân đa lượng với nhóm vi lượng; khuyến khích sử dụng phân tổng hợp, hạn chế sử dụng phân đơn, kết hợp bổ sung phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh...

C.L (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.