Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam vừa đưa ra các dự báo, cảnh báo về tình hình thiên tai, triều cường dâng, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trước tình hình trên, Bạc Liêu đã đề ra các giải pháp nhằm chủ động ứng phó với triều cường và xâm nhập mặn trên địa bàn.
Cơn mưa lớn đầu tháng 12/2024 cộng với triều cường dâng gây ngập nhiều tuyến đường nội ô TP. Bạc Liêu.
CÁC DỰ BÁO VỀ THIÊN TAI
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định: Thời tiết trong 3 tháng tới có thể nghiêng về hướng La Nina, đến tháng 3/2025 hiện tượng này sẽ chấm dứt. Đặc biệt, từ tháng 12/2024 - 2/2025, tại ĐBSCL xuất hiện mưa trái mùa với lượng mưa có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm, tuy nhiên do đây là giai đoạn cuối mùa khô nên lượng mưa tăng cao không đáng kể. Riêng khu vực Nam Bộ, lượng mưa có thể tăng cao vào tháng 12/2024, với tổng lượng mưa cao hơn từ 10 - 30mm so với trung bình nhiều năm, sau đó giảm dần. Mùa mưa tại ĐBSCL có xu hướng kết thúc muộn hơn.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng nhận định, trong vòng 6 tháng tới, tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Kông về ĐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng từ 5 - 15%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 0,2m. Trong khi đó, dự báo triều cường các tháng mùa khô 2024 - 2025 ở mức cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm.
Sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm - mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024 - 2025 có thể xảy ra và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô các năm trước đây.
Bạc Liêu là một trong những tỉnh cuối nguồn nước ngọt nên ảnh hưởng xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025 sẽ cao hơn mức trung bình nhiều năm. Theo dự báo của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, Bạc Liêu là 10/13 tỉnh, thành có nguy cơ xâm nhập mặn cao. Độ mặn trên các sông Bạc Liêu, Gành Hào, các sông, kênh vùng chuyển đổi trong hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp cao hơn 4g/lít. Các khu vực ảnh hưởng chính gồm các huyện: Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và TX Giá Rai.
GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
Thời gian qua, khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng đã đầu tư nhiều công trình ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn song vẫn chưa khép kín. Trong khi nguồn lực đầu tư cho các công trình là rất lớn, vượt quá khả năng đầu tư của các địa phương. Do đó, cần có những giải pháp phi công trình để bảo vệ sản xuất cho nông dân. Trước hết, cần tuyên truyền cho nông dân biết tình trạng thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập để họ chủ động điều chỉnh lịch thời vụ, xuống giống vụ lúa đông xuân 2024 - 2025 sớm hơn nhằm né hạn mặn. Đồng thời áp dụng biện pháp tiết kiệm nước trong sản xuất, sinh hoạt kết hợp với trữ nước… Hạn hán, xâm nhập mặn khiến nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước cấp cho người dân, nên cần chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý.
Xung quanh vấn đề trên, ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Từ tháng 12/2024 - 1/2025, khu vực huyện Hồng Dân có nguy cơ thiếu nước nuôi tôm, do đó khuyến cáo nông dân chủ động và có thể chuyển đổi mô hình sản xuất khác phù hợp. Khả năng mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, nên vụ lúa đông xuân cần quan tâm độ mặn trên các kênh. Trước khi đưa nước vào ruộng, cần đo độ mặn và áp dụng biện pháp tưới ngập khô xen kẽ để tiết kiệm nguồn nước ngọt...”.
Hạn hán khiến một số tuyến đường nông thôn ở huyện Hồng Dân bị sụt lún. Ảnh: M.Đ
Hiện tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng công trình cống điều tiết nước, xây dựng ô đê bao khép kín kết hợp trạm bơm, nâng cấp mở rộng các cống hiện trạng có khẩu độ nhỏ. Xây dựng và thực hiện lịch điều tiết nước linh hoạt, vận hành hệ thống các công trình thủy lợi kết hợp lịch thời vụ sản xuất thuộc 2 vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, để chống ngập úng, tỉnh kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng các dự án như: Dự án xây dựng các cống dọc theo bờ Tây kênh Ngan Dừa - Cầu Sập (18 cống), huyện Vĩnh Lợi và huyện Phước Long, nguồn vốn dự kiến 300 tỷ đồng; Dự án nâng cấp hệ thống các cống dọc theo Quốc lộ 1A (21 cống), TX. Giá Rai, huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi, nguồn vốn dự kiến 500 tỷ đồng. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dư án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A, nhất là hạng mục xây dựng trạm bơm tại cống Cầu Sập…
Theo ông Phạm Thanh Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu: Hiện tỉnh vẫn còn tồn tại mâu thuẫn trong việc vận hành các công trình cống ngăn mặn. Khi triều cường lên, cống đóng ngăn hiện tượng xâm nhập mặn, nhưng điều này vô hình trung đã làm hạn chế nguồn nước nuôi tôm của các hộ dân. Do đó, Bạc Liêu mong muốn Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nghiên cứu, xây dựng kết cấu công trình mới, tối ưu mà không gây tác động nhiều tới đời sống người dân, không phải di dời các hộ để giảm chi phí giải phóng mặt bằng…
MINH CHÂU
- Đoàn công tác của tỉnh thăm, chúc tết các đơn vị Biên phòng
- Đoàn đại biểu tỉnh Preah Sihanouk (Vương quốc Campuchia) thăm và chúc Tết tỉnh Bạc Liêu
- Đoàn cán bộ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện Hòa Bình: Thăm, chúc Tết Khu căn cứ Đôn Bơ - Cựa Gà
- Tập trung quyết liệt chống khai thác IUU và gỡ thẻ vàng EC
- Tổ chức Rima (Úc): Trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi tại tỉnh Bạc Liêu