Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Chủ động tiêu úng, bảo vệ mùa vụ
Hai ngày qua, trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa với lượng trung bình từ 200 - 224,1mm, khiến nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng cục bộ. Ngành Thủy lợi và các địa phương đang khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu nước, bảo vệ an toàn cho các diện tích sản xuất nông nghiệp.
Đoàn công tác của Sở NN&PTNT kiểm tra vùng chuyên canh rau màu và hướng dẫn tiêu úng ở huyện Phước Long.
Nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập cục bộ
Với lượng mưa đo được 224,1mm, trận mưa ngày 2/11 được ghi nhận là trận mưa lớn nhất trong hơn 40 năm qua trên địa bàn tỉnh. Mưa lớn cùng với triều cường khiến cho không chỉ nhà cửa, đường phố trên địa bàn TP. Bạc Liêu bị ngập sâu mà nhiều diện tích lúa, hoa màu của nông dân cũng bị úng cục bộ. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, các trận mưa lớn đã khiến cho hơn 500ha lúa nằm ở các vùng trũng, thấp chưa có trạm bơm bị ngập úng cục bộ. Trong khi đó, mực nước trên các tuyến kênh nội đồng cũng đang ở mức cao khiến cho việc bơm tát của bà con gặp khá nhiều khó khăn.
Anh Trần Bé Lượng (ấp Mặc Đây, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Nước mưa trên trời trút xuống còn nước kênh thì lên nhanh, vùng canh tác lúa của gia đình tôi lại không có trạm bơm tập trung nên chỉ qua một đêm nước đã ngập gần đến ngọn lúa Tài nguyên vừa mới cấy. Không chỉ vậy, nước ngập còn khiến cho việc gieo sạ lúa ở những ô không cấy lúa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Giờ chỉ mong trời ngừng mưa, nước rút nhanh để tôi và bà con trong xóm bơm nước, cứu lúa”.
Không riêng gì lúa, nhiều diện tích canh tác hoa màu của nông dân ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) và các địa bàn vùng ven trên địa bàn TP. Bạc Liêu như Phường 7, Phường 8, xã Hiệp Thành cũng bị ngập úng cục bộ. Trong đó, có 71ha lúa đông xuân sớm của nông dân Phường 8 bị ngập úng. Khác với lúa có thể trụ được nước ngập trong vài ngày, với một số loại rau ăn lá, nếu không tiêu úng nhanh chóng thì chỉ trong một ngày bị ngập úng, cây rau sẽ chuyển màu, thối rữa. Thiệt hại của bà con nông dân là điều không thể tránh khỏi.
Nông dân phải sạ chìm dù nước còn khá sâu do đã ngâm giống từ trước.
Khẩn trương khắc phục
Trước tình trạng mưa lớn, ngập úng đe dọa đến sản xuất, những ngày qua, các địa phương và Chi cục Thủy lợi tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp tiêu úng, cứu lúa, hoa màu cho bà con.
Đối với các vùng ngập úng nằm trong vùng ô đê bao khép kín, trạm bơm các địa phương đã cho vận hành tối đa công suất để kịp thời tháo nước, hạn chế tình trạng lúa bị ngập sâu trong nước dài ngày. Còn ở những vùng trũng, thấp không có trạm bơm tập trung, địa phương huy động bà con sử dụng máy bơm, mô-tơ trong dân để chia ra tháo nước theo từng cánh đồng. Tuy không nhanh nhưng cũng phần nào rút bớt nước trên ruộng lúa cũng như diện tích canh tác hoa màu của bà con. Ông Lê Việt Xô - Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu, cho biết: “Sau trận mưa lớn ngày 2/11, UBND thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình ngập úng và chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng triển khai việc tiêu úng, nhất là ở những vùng chuyên canh hoa màu, lúa ở các xã. Hiện nay, công tác tiêu thoát nước vẫn đang thực hiện rất khẩn trương để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do ngập úng gây ra”.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh cũng cho vận hành tháo nước ở các cống phân ranh để kéo giảm mực nước trên các tuyến kênh nội đồng, giúp cho việc bơm tát của bà con trong vùng trũng, thấp được thuận lợi hơn. Nhờ vậy, nhiều diện tích lúa, hoa màu đến nay được bảo vệ an toàn.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sau khi tiêu thoát nước phải có biện pháp chăm sóc lúa, rau màu, bảo đảm cây sinh trưởng và phát triển tốt. Chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đối tượng thủy sản khi mưa kéo dài nhiều ngày...
Huyện Vĩnh Lợi cho vận hành các cống ô đê bao để giảm ngập úng cục bộ do mưa lớn, kéo dài gây ra. Ảnh: C.L
Tập trung các nguồn lực để tháo úng
Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra, Sở NN&PTNT đã thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn cách xử lý tình trạng ngập úng ở các địa phương. Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, các hợp tác xã nông nghiệp và hộ dân huy động máy móc, thiết bị khơi thông dòng chảy; tổ chức vận hành các công trình thủy lợi tiêu nước, chống lụt, úng cho diện tích cây trồng đang bị ngập úng. Rà soát diện tích lúa mùa, Tài nguyên, nhất là diện tích lúa đông xuân sớm mới gieo sạ, để đánh giá khả năng chịu úng, khả năng phục hồi và triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục sau mưa lớn. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện sản xuất vụ mùa trong khung thời vụ cho phép.
Còn đối với diện tích nuôi trồng thủy sản, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân kiểm tra, gia cố bờ bao, cống ao, kiểm tra chất lượng nước ao nuôi, chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lớn gây ra. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh; Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường cán bộ đi cơ sở, kịp thời thông tin, báo cáo tình huống phát sinh để xử lý. “Hiện Sở đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật khắc phục, khôi phục sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của mưa lớn. Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với diện tích lúa và cây màu không bị ảnh hưởng do mưa lớn. Đối với diện tích khắc phục được sau mưa lớn thì tiến hành diệt ốc bươu vàng, dặm tỉa bổ sung, chăm sóc phục hồi”, ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết.
Chí Linh
- Chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025
- Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Nam
- TP. Bạc Liêu: Khởi công xây dựng 18 căn nhà thuộc Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
- Vô tư chạy xe máy “đầu trần” trong trung tâm xã
- Cảnh giác với thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh, video “nhạy cảm” để cưỡng đoạt tài sản