Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa
Qua thời gian thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã cho thấy tính hiệu quả trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản cũng như góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Bạc Liêu tham gia chương trình giao lưu Gặp gỡ Hàn Quốc (tổ chức tại tỉnh Bình Dương).
Tiếp sức cho các chủ thể
Với 132 sản phẩm OCOP được công nhận và được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm; trong đó có 33 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 99 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, các sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, thủ công mỹ nghệ. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) có sản phẩm OCOP rất quan tâm đến việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nhằm từng bước xây dựng thương hiệu và khẳng định chất lượng các sản phẩm OCOP Bạc Liêu.
Từ khi xây dựng thương hiệu cho đến khi sản phẩm tôm khô, chả cá phi được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP, Cơ sở Thiên Hương thường xuyên tham gia các hội chợ, các gian hàng sản phẩm OCOP ở các tỉnh, thành và khu vực cũng như cả nước, thậm chí các hoạt động hội nghị ở nước ngoài. Anh Võ Hùng Mạnh - chủ Cơ sở Thiên Hương, cho biết: “Hầu như năm nào cơ sở cũng đều tham gia ít nhất từ 5 - 7 lần đưa sản phẩm đi giới thiệu, quảng bá ở các hội chợ OCOP của các tỉnh, thành. Hiện Cơ sở Thiên Hương chuẩn bị tháp tùng với Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm tôm khô ở Huế. Được sự quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại, giúp quảng bá, đưa sản phẩm đến với khách hàng của các sở, ngành chức năng của tỉnh nên các sản phẩm tôm khô, tôm lụi, tôm ép của Cơ sở Thiên Hương ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và ngoài nước biết đến. Từ đó số lượng tiêu thụ cũng ngày càng tăng, nhất là vào dịp tết Nguyên đán. Chúng tôi rất mong tỉnh tiếp tục tạo nhiều cơ hội hơn nữa để sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa hơn”.
Theo ông Đặng Minh Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: “Để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến các sản phẩm OCOP Bạc Liêu, tỉnh triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh, thành; hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia cũng như quốc tế. Đặc biệt là xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP, thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu. Đẩy mạnh liên kết với các sàn thương mại điện tử các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm…”.
Các sản phẩm OCOP Bạc Liêu tham gia hội nghị kết nối giao thương giữa 5 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại TP. Cần Thơ. Ảnh: M.Đ
Đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng
Theo thời gian, Chương trình OCOP ngày càng phát triển và đạt hiệu quả bền vững. Ngoài duy trì chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu thì điều quan trọng hơn nữa là quảng bá sản phẩm, bởi đầu ra tiêu thụ ổn định thì sản phẩm mới thật sự phát triển bền vững, lâu dài.
Trước hết là ưu tiên quảng bá kết nối thị trường trong nước là TP. Hồ Chí Minh - trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và được nhiều địa phương lựa chọn là nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP. Ngoài ra, để hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh, cấp vùng. Hướng đến xây dựng các sản phẩm OCOP đạt 5 sao (cấp quốc gia) để sản phẩm OCOP Bạc Liêu vươn xa hơn, tham gia các cấp quốc gia và quốc tế. Song song với xúc tiến thương mại theo phương thức truyền thống, tỉnh cũng quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng số...
Để làm được điều này, tỉnh đã và đang tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, cách thức tham gia các nền tảng số để quảng bá hình ảnh sản phẩm. Thông qua đó, tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm, chắp cánh cho các sản phẩm OCOP có điều kiện vươn xa.
Đã qua, Chương trình OCOP mang lại lợi ích rất lớn cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì Chương trình vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong quảng bá, xúc tiến thương mại; kết nối cung cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh tuy có triển khai thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, từ đó nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường, trong khi nhu cầu của người dân và du khách rất lớn.
Để tháo gỡ vấn đề này, theo ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh, thành và hướng đến tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế... Bên cạnh đó, cần chú trọng đa dạng hóa các hình thức thương mại, đặc biệt là tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử..., nhằm góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh và thương hiệu sản phẩm OCOP Bạc Liêu trên thị trường. Có như vậy, việc thực hiện Chương trình OCOP mới thật sự đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Nhật Minh
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước