Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
“Chắp cánh“ cho gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi bay xa
Theo đánh giá của các nhà khoa học, ngành chức năng và nông dân, chất lượng gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi (TNVL) hiện nay giảm hơn so với trước đây. Do vậy, việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Mới đây, Sở KH-CN phối hợp với huyện Vĩnh Lợi tổ chức hội thảo khoa học bàn các giải pháp nâng cao chất lượng để xây dựng thương hiệu lúa, gạo TNVL.
Nông dân xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) cấy lúa Tài nguyên.
Nông dân xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) thu hoạch lúa Tài nguyên. Ảnh: M.Đ
TNVL là một loại gạo đặc sản, dẻo xốp, thơm, ngon cơm. Gạo có tiếng và đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Để quảng bá thương hiệu, giữ vững chất lượng gạo TNVL, huyện Vĩnh Lợi kết hợp với Viện lúa ĐBSCL phục tráng giống lúa TNVL nhằm tăng năng suất và chất lượng. Huyện Vĩnh Lợi đã nhận lúa giống Tài nguyên nguyên chủng để sản xuất giống nhằm đảm bảo đủ cung cấp cho các hộ sản xuất lúa TNVL. Nhờ gạo TNVL ngon cơm nên một số thương lái tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Tiền Giang… xuống tận Bạc Liêu thu mua. Đặc biệt, một số doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh mua để xuất khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông…
Huyện Vĩnh Lợi có khoảng 9.000ha đất sản xuất lúa TNVL, chiếm trên 55% diện tích đất canh tác của huyện. Theo đánh giá, gạo Tài nguyên không còn đạt độ mềm cơm như trước đây nên giá thu mua lúa Tài nguyên cũng giảm. Trước đây, nhiều hộ dân và thương lái mua dự trữ lúa Tài nguyên để cuối vụ bán với giá cao, thì nay lượng lúa dự trữ giảm rất nhiều. Mặc dù lúa Tài nguyên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2010, song toàn bộ lúa Tài nguyên được xay xát và tiêu thụ bình thường, chưa được đóng gói, bao bì, thậm chí còn bị pha trộn với các loại gạo khác…
Trước tình hình đó, để nâng cao chất lượng lúa, gạo Tài nguyên, Sở KH-CN phối hợp với huyện Vĩnh Lợi tổ chức hội thảo khoa học bàn các giải pháp nâng cao chất lượng trong thời gian tới. Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên thực trạng cũng như những khó khăn, tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ lúa Tài nguyên trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi. Đặc biệt là tình trạng chất lượng gạo Tài nguyên ngày càng giảm, không đồng nhất, tiềm ẩn nguy cơ dư lượng hóa chất trong sản phẩm gạo cao, làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Để đưa thương hiệu gạo TNVL phát triển, cần có sự thay đổi tư duy quản lý và phương thức sản xuất; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng chuỗi cung ứng gạo TNVL. Cụ thể là huyện Vĩnh Lợi cần triển khai xây dựng mô hình thí nghiệm nâng cao chất lượng lúa Tài nguyên; tiếp tục cải thiện giống Tài nguyên thuần chủng. Hỗ trợ và liên kết kinh doanh với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu cũng như đầu tư nâng cao chất lượng gạo Tài nguyên. Bên cạnh đó, tuyên truyền để các hộ kinh doanh không trộn gạo rẻ tiền làm mất phẩm chất gạo Tài nguyên. Hỗ trợ củng cố các tổ hợp tác hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng lúa Tài nguyên, phát triển mô hình sản xuất quy mô lớn như mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết kinh doanh với công ty tiêu thụ. Tăng cường tuyên truyền nông dân thay đổi tập quán canh tác; khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc vi sinh; giảm tối đa phân bón, thuốc hóa học; tuyệt đối không sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có chứa hoạt chất bonsai và urê trên lúa. Cùng với đó là liên kết chặt chẽ “4 nhà” từ khâu sản xuất đến liên kết tiêu thụ lúa Tài nguyên.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (thuộc Trường đại học Cần Thơ) cho biết: “Để xây dựng thương hiệu lúa TNVL, cần sự đồng thuận của nông dân, không vì lợi nhuận trước mắt mà làm giảm chất lượng lúa, gạo Tài nguyên. Đặc biệt là nâng cao chất lượng để xây dựng thương hiệu lúa Tài nguyên. Và khi có thương hiệu thì giá trị sản phẩm sẽ được nâng cao”.
MINH ĐẠT
Thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ lúa, gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi
Mới đây, tại hội thảo các nhà khoa học, ngành chức năng và nông dân đã đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng thương hiệu lúa Tài nguyên.
* Ông Lê Thanh Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh:
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn để sản xuất lúa Tài nguyên
Để nâng cao chất lượng lúa, gạo Tài nguyên, cần sự liên kết chặt chẽ “4 nhà”. Trong đó, nhà nông đóng vai trò quan trọng. Nông dân cần phải liên kết xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn; thực hiện các quy trình và sổ tay sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP. Cùng với đó, ngành chức năng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia mô hình đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
* Lão nông Lâm Văn Lại (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi):
Cần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Trước đây, gạo Tài nguyên rất xốp và ngon cơm. Song, từ khi nông dân sử dụng bonsai và một số loại thuốc bảo vệ thực vật đã làm cho gạo Tài nguyên ngày càng kém chất lượng.
Theo tôi, muốn nâng cao chất lượng lúa Tài nguyên, nông dân phải hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bonsai; đồng thời sử dụng phân vi sinh như trước đây. Bên cạnh đó, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn để bà con đồng loạt sản xuất, sản phẩm có chất lượng đồng đều.
MINH CHÂU (lược trích)
Quang cảnh hội thảo khoa học bàn giải pháp phát triển thương hiệu gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ