Cần hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân vùng mới chuyển đổi

Thứ Hai, 23/10/2017 | 16:28

Lúa - tôm kết hợp là mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế khá cao, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ mới chuyển đổi sang mô hình này vẫn còn lúng túng, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi tôm. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành chức năng.

Mô hình lúa - tôm của anh Danh Thơm.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm trên đất lúa. Ảnh: C.L

Gia đình ông Danh Hoành (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) vừa chuyển đổi, áp dụng mô hình lúa - tôm kết hợp hơn 3 tháng nay. Do lần đầu nuôi tôm nên ông Hoành không nắm vững kỹ thuật nuôi. Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi những người nuôi tôm, ông Hoành làm theo cách của riêng mình. Bởi, mỗi người chỉ ông một cách làm khác nhau, kỹ thuật nuôi khác nhau... Và ông cũng “sáng tạo” ra cách nuôi chẳng giống ai.

Trên diện tích 3.000m2, ông Hoành thả nuôi hơn 7.000 con tôm giống. Thay vì dùng thức ăn chuyên dụng cho tôm ăn, ông lại thay thế bằng thức ăn dành cho heo. Nhiều người chỉ dẫn ông phải diệt cá trước khi xuống giống, nhưng ông cũng chỉ làm qua loa nên tôm giống hao hụt rất nhiều. Còn ao vèo tôm thì có diện tích khá nhỏ, nguồn nước đưa vào vuông nuôi ông cũng chẳng phải đo đạc các thông số (độ kiềm, pH...). Chính vì không nắm vững cách nuôi nên tôm nuôi của ông Hoành mới 2 tháng đã phải... thu hoạch sớm. Ông Hoành bộc bạch: “Trước giờ tôi chỉ trồng lúa, nuôi cá chứ đâu có nuôi tôm. Cứ tưởng thức ăn nào con tôm cũng dùng được nên tôi mới lấy thức ăn của heo để nuôi tôm. Vụ nuôi tới tôi sẽ thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật mà ngành chức năng hướng dẫn”.

Còn anh Danh Thơm (cũng ở thị trấn Ngan Dừa) tuy áp dụng quy trình nuôi khá bài bản, nhưng tôm nuôi cũng không thoát khỏi cảnh hao hụt, chậm lớn và chết sớm. Nguyên nhân là do chất lượng con giống không đảm bảo, và một phần là do nguồn nước xả thải từ chuồng heo của gia đình. Anh Thơm bày tỏ: “Lúc mới nuôi tôm tôi cũng tìm hiểu kỹ thuật nuôi qua sách báo, rồi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của nhiều người. Tuy nhiên, tôi nghĩ là phải được tập huấn bài bản từ các ngành chuyên môn thì mới mong nuôi tôm thành công. Tôi rất mong huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm để tôi cũng như nhiều bà con trong xóm dự học, áp dụng hiệu quả vào sản xuất”.

Ông Trần Minh Lý, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác lúa - tôm kết hợp. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra, giám sát định kỳ, thường xuyên đối với các sơ cở kinh doanh tôm giống, thuốc thủy sản để giúp người nuôi tránh bị thiệt khi mua phải các mặt hàng kém chất lượng”.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.