Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Các công trình thủy lợi: Cần đầu tư để nâng cấp, hoàn thiện
Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nguồn lực riêng của từng địa phương, nhiều công trình thủy lợi (CTTL), hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu, thủy nông nội đồng trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu và yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Bơm tháo nước mặn tràn qua mặt cống Cầu Sập (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) để cứu lúa. Ảnh: C.L
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các CTTL, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới nhiều CTTL phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra. Trong đó, nhiều công trình cống ngăn mặn đã được nâng cấp, sửa chữa như: cống Hộ Phòng, cống Giá Rai (TX. Giá Rai), cống Cái Tràm (huyện Vĩnh Lợi),…
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh còn phối hợp với các địa phương tiến hành sửa chữa máy móc, thiết bị, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; xây dựng các phương án phòng chống úng, hạn mặn và kế hoạch tưới tiêu phục vụ sản xuất. Nhiều công trình sau khi được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới đã phát huy hiệu quả, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất của người dân.
Ông Trần Việt Lừng (xã Tân Thạnh, TX. Giá Rai) chia sẻ: “Từ khi có cống Láng Trâm điều tiết nước thì sản xuất nông nghiệp của người dân thuận lợi hơn trước. Nhờ hệ thống thủy lợi giúp sức nên nhiều hộ đã áp dụng thành công mô hình lúa - tôm và cho thu nhập khá cao”.
Mặc dù hệ thống CTTL được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, song hiện nay, nhiều cống và kênh, nhất là các cống nhỏ do địa phương quản lý, do thiếu nguồn vốn cho việc duy tu, sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp, chưa phát huy tối đa hiệu quả. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới tiêu còn hạn chế; hạ tầng thủy lợi nội đồng còn lạc hậu, chủ yếu là kênh mương nhỏ, dễ bị bồi lắng. Mặt khác, nhiều cống vẫn chưa được đầu tư lưới điện 3 pha để vận hành và phải làm theo cách thủ công mỗi khi đóng, mở cống; đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn tại các điểm cống phần lớn chưa qua đào tạo về chuyên môn (theo Nghị định số 67 của Chính phủ.
Để chủ động khai thác nguồn nước và vận hành các CTTL một cách hợp lý, ngành Nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục củng cố, nâng cấp và tăng cường quản lý khai thác hệ thống thủy nông với các giải pháp cơ bản và lâu dài. Ông Lê Tự Do, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, cho biết: “Để giúp người dân chủ động nguồn nước trong sản xuất và sinh hoạt, đơn vị đang củng cố, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng để điều tiết nước giữa các khu vực; đa dạng diện tích phục vụ; làm tiền đề cho các hệ thống tưới hiện đại, tiết kiệm nước. Đồng thời từng bước cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các CTTL xuống cấp để nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn công trình. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở các địa phương”.
Chí Linh