Bao giờ diêm dân làm giàu từ hạt muối?

Thứ Hai, 28/05/2018 | 16:14

Khi những cơn mưa bắt đầu nặng hạt, cũng là thời gian diêm dân tính lại chuyện lời lỗ cho một năm sản xuất muối. Không biết đã trải qua bao vụ muối rồi, nhưng diêm dân vẫn chưa thể đổi đời, nỗi trăn trở ấy thật sự làm rát lòng diêm dân.

Diêm dân huyện Đông Hải thu hoạch muối. Ảnh: L.D

TRẮNG, ĐEN HẠT MUỐI

Lâu nay, khi nói đến Bạc Liêu là người ta nghĩ ngay đến “vương quốc” của muối. Bởi cái thương hiệu muối Ba Thắc cùng những cánh đồng muối làm mỏi cánh cò bay đã từng nổi danh khắp Nam kỳ lục tỉnh. Rồi cho đến nay, muối Bạc Liêu cũng là sản phẩm duy nhất được đưa vào thị trường Nhật. Thế nhưng, số phận của người diêm dân vẫn còn… mặn chát! Diêm dân Nguyễn Văn Tâm (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) than: “Làm muối cực lắm, suốt ngày cứ phải đối mặt với nắng nóng. Năm nào ông Trời thương cho nắng nhiều thì cào muối có lãi, còn năm nào mưa sớm hay mưa trái mùa thì diêm dân chỉ biết bỏ xứ lên Sài Gòn làm mướn”.

Thật vậy, dưới cái nắng gay gắt của tháng 3, những tấm lưng trần đen trũi lấp lánh mồ hôi cứ thay nhau hì hục cào từng thớt muối, rồi lại cõng lên mình những cần xé muối nặng khoảng 50kg trên những đôi vai gầy còm. Đôi lúc mồ hôi trơn trượt tuột cần xé làm rách cả vai, muối xát vào nghe rát rạt mà họ vẫn vui. Vì đó là cơm áo, gạo tiền và phải đổ muối vào tu cho thật nhanh nếu không gặp phải mưa trái mùa thì coi như mất trắng. Đó là chưa kể đến những năm giá muối rớt đến thê thảm, như vụ mùa năm 2016 - 2017, có thời điểm giá muối chỉ còn 200 đồng/kg, đẩy đời sống của nhiều diêm dân vào cảnh lao đao.

Đời diêm dân khó khăn, cực nhọc như vậy đó! Thế mà đến nay, diêm dân chưa thể làm giàu và số phận của họ vẫn chưa thể sáng lên như muối trắng, vì cứ mãi sản xuất muối đen. Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, khẳng định: “Nếu diêm dân muốn làm giàu từ hạt muối thì phải sản xuất muối trắng, vì sản xuất ra bao nhiêu doanh nghiệp cũng tiêu thụ hết, nhưng lâu nay diêm dân vẫn loay hoay với phương thức sản xuất muối đen”.

Thật ra diêm dân rất thích sản xuất muối trắng, vì loại này bán được giá cao, lại khỏi phải lo đầu ra, nhưng khổ nỗi có vốn đâu mà sản xuất khi một héc-ta cần đến cả trăm triệu đồng. Cụ thể, với mô hình sản xuất muối trắng theo phương pháp trải bạt trên sân kết tinh, chỉ với 1.000m2 cũng cần vốn đầu tư hơn 45 triệu đồng. Với mức đầu tư cao ngất ngưởng ấy, diêm dân đào đâu ra tiền để đầu tư? Cũng chính lý do này mà trong tổng diện tích sản xuất muối năm 2018 hơn 1.740ha, nhưng diện tích sản xuất muối trắng trải bạt chỉ chiếm 82,5ha.

Diêm dân xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) cải tạo lại đồng muối chuẩn bị nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa. Ảnh: L.D

MUỐI CÓ TỒN TRONG DÂN?

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, kết thúc vụ mùa vừa qua và tính đến tháng 5/2018, toàn tỉnh vẫn còn tồn đọng trong dân hơn 49.440 tấn muối.

Thật ra, việc tồn đọng muối trong dân đã trở thành báo cáo lâu nay nó thế. Song, thực chất nếu muối có tồn chủ yếu nằm trong các tu của các doanh nghiệp thu mua tạm trữ muối chứ trong diêm dân chẳng còn được là bao. Bởi vòng quay hạt muối của diêm dân ngắn lắm. Khi diêm dân cào muối xong là bán ngay cho thương lái để lấy tiền trang trải cho cuộc sống, thậm chí bán cả “muối non” để trả nợ nần cho tiền đầu tư cải tạo đồng ruộng, bơm nước, cơm gạo hàng ngày... chứ có tiền đâu mà dự trữ muối để chờ giá. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết: “Cuối vụ muối năm 2017, toàn huyện Đông Hải vẫn còn tồn hơn 24.000 tấn muối nhưng chủ yếu là tập trung dự trữ ở các doanh nghiệp”.

Xuất phát từ thực tiễn này mà lâu nay các chính sách thu mua muối tạm trữ hay hỗ trợ nâng cao giá thu mua muối gần như người diêm dân chẳng được hưởng lợi là bao, mà người được hưởng lợi trực tiếp chính là các doanh nghiệp thu mua muối tạm trữ. Do vậy, bài toán hỗ trợ giá thu mua muối của Nhà nước cho diêm dân phải được tính lại! Đó là việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho diêm dân tương tự như việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất trồng lúa, hoặc đầu tư về hạ tầng, vốn để diêm dân sản xuất muối trắng. Và cao hơn là quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa cung cấp muối cho quốc gia, nhằm hạn chế tối đa việc nhập muối từ nước ngoài trong khi sản xuất muối trong nước luôn bấp bênh về đầu ra.

ĐỂ DIÊM DÂN LÀM GIÀU

Không sống nổi với nghề làm muối, nhiều diêm dân đã thay nhau bỏ nghề, bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Nhiều địa danh như ấp Diêm Điền của huyện Đông Hải từng là xứ sở của nghề muối, nay chỉ còn là ký ức về một thời vang bóng, vì diện tích sản xuất muối ngày một teo dần. Bỏ nghề làm muối đau lắm, nhưng không sản xuất muối thì phải sản xuất cái gì khi đất đã mặn chát theo thời gian, nuôi con tôm, con cua cũng khó!?

Vì vậy, để khuyến khích diêm dân gắn bó với nghề truyền thống và tránh tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất, Bạc Liêu đã xây dựng đề án “Tái cơ cấu ngành muối tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; và đề ra mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất muối đạt 2.500ha (trong đó, diện tích sản xuất muối trải bạt và công nghiệp 500ha) và đến năm 2030 diện tích sản xuất muối đạt 2.400ha (trong đó, diện tích sản xuất muối trải bạt và công nghiệp 1.000ha), sản lượng đạt 200.000 tấn (trong đó, sản lượng muối trắng sản xuất truyền thống 50.000 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng muối và muối trắng trải bạt 100.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng muối).

Để hoàn thành mục tiêu này và giúp diêm dân làm giàu từ hạt muối, Bạc Liêu sẽ tập trung phát triển ngành muối theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng muối, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và chế biến để phát triển ngành muối theo hướng công nghiệp, hiện đại, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhất là nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của diêm dân...

Hy vọng với đề án trên, diêm dân có thể làm giàu và trên những cánh đồng muối bạt ngàn sẽ hình thành các khu sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao theo quy trình khép kín như Bạc Liêu đã và đang tập trung cho phát triển con tôm ứng dụng công nghệ cao.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.