Bạc Liêu chung tay gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU của EU

Thứ Sáu, 27/05/2022 | 16:31

Thời gian qua, Bạc Liêu cùng với các tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU). Nổi bật là tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm soát, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm về việc sử dụng thiết bị định vị. Từ đó, góp phần cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EU) đối với hoạt động khai thác IUU.

Vùng Cảnh sát biển 4 tặng tài liệu tuyên truyền pháp luật về biển đảo và 30 suất quà cho gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Kinh tế biển là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển bền vững, các đơn vị chức năng thuộc Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng, UBND các xã tiếp giáp biển tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản, cùng các văn bản thi hành luật, nhất là những quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho ngư dân bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, đối thoại trực tiếp với ngư dân, hướng dẫn các chủ tàu cá và thuyền trưởng tàu cá ghi, nộp nhật ký khai thác. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và cả khi hoạt động trên biển; tăng cường công tác điều tra cơ bản, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ các đối tượng tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cùng với công tác tuyên truyền, các chế tài xử phạt cũng được ngành chức năng thực hiện nghiêm. Qua đó, nhận thức của ngư dân đã có chuyển biến tích cực, sẵn sàng cam kết không vi phạm vùng biển các nước khác trong quá trình khai thác. Ông Nguyễn Văn Nhàn - chủ tàu cá ở Gành Hào (huyện Đông Hải), cho biết: “Cán bộ Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng… đã tuyên truyền, hướng dẫn và chúng tôi đã lắp đặt trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Trong quá trình khai thác, chúng tôi cũng đã tuân thủ ghi đầy đủ nhật ký khai thác và ghi báo cáo sản lượng, sản loài khai thác theo đúng quy định”.

Các tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: M.Đ

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA

Bạc Liêu xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là vấn đề quan trọng, hàng đầu, vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài nên huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, khẩn trương khắc phục các hạn chế, khó khăn, góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” của EU. Đến nay, toàn tỉnh có 100% tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi khi các chủ tàu cá hợp tác thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên vùng biển. Đồng thời, kịp thời xử lý các tình huống xấu trên biển, giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Hiện Sở NN&PTNT tiếp tục tuyên truyền để bà con ngư dân thấy được tác hại của việc khai thác thủy hải sản bất hợp pháp. Song song đó, kết hợp với Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát hành trình, nhật ký khai thác... Đồng thời, làm việc cụ thể với các đối tượng có nguy cơ vi phạm để tuyên truyền, vận động và nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm”.

Để chung tay cùng cả nước sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU của EU, Bạc Liêu sẽ đẩy nhanh việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản; tăng cường công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, quy định ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản; đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác khớp nối với tất cả các khâu trong chuỗi từ khai thác trên biển. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển, tại cảng cá, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU. Lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, giám sát “đặc biệt”. Kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu cá thường xuyên mất kết nối, cố tình ngắt kết nối để vi phạm vùng biển nước ngoài…

MINH ĐẠT

Khai thác thủy sản bất hợp pháp có thể bị phạt lên đến 140 triệu đồng

Căn cứ Điều 23 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản:

1. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;

b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15m khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản.

2. Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;

b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản.

3. Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với trường hợp tái phạm một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm;

b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản trong trường hợp tái phạm.

Theo đó, hành vi khai thác thủy sản không có giấy phép là một hành vi vi phạm pháp luật, đối với cá nhân có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền lên đến 70 triệu đồng, với tổ chức vi phạm số tiền phạt có thể lên tới 140 triệu đồng (Khoản 2 Điều 5 Nghị định 42/2019/NĐ-CP). Ngoài ra còn có thể bị tịch thu thủy sản khai thác, tịch thu ngư cụ, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 6 - 12 tháng như một hình thức phạt bổ sung.

M.C (trích Luật Thủy sản năm 2017)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.