Bạc Liêu chủ động ứng phó với hạn, mặn: Biến nguy cơ thành thời cơ

Thứ Sáu, 04/05/2018 | 15:54

Vấn đề điều tiết nước mặn, ngọt phục vụ sản xuất luôn là bài toán khó của ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành phố ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Chủ động ứng phó với vấn đề xâm nhập mặn là việc làm cấp bách, cần sự liên kết của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương (thứ hai từ phải qua) và Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (thứ hai từ trái qua) khảo sát mô hình lúa - tôm tại huyện Hồng Dân. Ảnh: M.Đ

ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Song những năm gần đây, do ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn nên lúa, thủy sản, trái cây đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để chủ động chống hạn, mặn, các nhà khoa học, các địa phương ở khu vực ĐBSCL đã tính toán, tìm cách thức sản xuất thích ứng với hạn, mặn.

Mới đây, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với UBND tỉnh tổ chức buổi tọa đàm “Giải pháp ứng phó hạn, mặn các tỉnh ĐBSCL” với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á. Tham dự buổi tọa đàm có các chuyên gia đến từ các viện, trường, nhà quản lý, ngành chức năng các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Các đại biểu đã thảo luận tính hiệu quả của các mô hình kinh tế chuyển đổi đã và đang triển khai nhằm ứng phó hạn, mặn.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, cho rằng năm nay hạn, mặn không gay gắt đến mức như năm 2016, nhưng việc bàn giải pháp ứng phó hạn, mặn là việc làm rất quan trọng. Theo các nhà khoa học, giải pháp ứng phó hạn mặn theo hướng “thuận thiên” là chọn cây, con sản xuất thích ứng với biển đổi khí hậu. Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp đánh giá việc xác định nuôi, trồng thuận theo tự nhiên là đúng, song cần bổ sung điều kiện thổ nhưỡng phải phù hợp với cây trồng, các vấn đề về giống, điều kiện canh tác, tổ chức sản xuất…

Một giải pháp khác được các nhà khoa học đưa ra là sử dụng nước ngọt tiết kiệm. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Biến đổi khí hậu ĐBSCL, chia sẻ: “Việc tiết kiệm nước dễ hơn là tìm thêm một khối nước trong tình hình hạn, mặn khốc liệt. Vì vậy, người dân trong khu vực cần quan tâm, áp dụng những giải pháp kỹ thuật trong tiết kiệm nước cho nông nghiệp như chọn cây trồng, vật nuôi ít tiêu thụ nước. Đồng thời cân nhắc bố trí thời vụ canh tác hợp lý; chống thất thoát nước trên đồng ruộng; xác định thời điểm cần cung cấp nước; tận dụng các nguồn nước thải để tưới và sử dụng nước tưới một cách hiệu quả.

Quang cảnh buổi tọa đàm tìm giải pháp ứng phó hạn, mặn ở các tỉnh ĐBSCL (tổ chức tại Bạc Liêu).

Nghị quyết 120 của Chính phủ đã xác định thứ tự ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp là: thủy sản - cây trồng khác - lúa (thay vì trước đây lúa ở vị trí số 1). Khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về hai nội dung mà tỉnh đề nghị là rút dự án nhiệt điện Cái Cùng và xin chuyển đổi đất để chuyển sang nuôi trồng thích ứng với hạn mặn, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận một câu mà hiện nay trở thành câu châm ngôn của tỉnh là “Bạc Liêu biến nguy cơ thành thời cơ”. Nguy cơ là hạn mặn xâm nhập sâu, Bạc Liêu xin chuyển đất trồng lúa không hiệu quả sang làm 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Nhìn vào thực tế, nắm bắt đúng thời cơ thì tạo ra cơ hội rất lớn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, mô hình lúa - tôm ở các tỉnh: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau… rất hiệu quả. Mô hình này từng bước thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn và giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều quan trọng hiện nay là các địa phương cần tìm giống lúa chịu độ mặn cao. Và Bạc Liêu đã khuyến khích nông dân cấy lúa Một bụi đỏ - giống lúa mùa chịu mặn tại địa phương.

Để ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, các tỉnh, thành ĐBSCL cần phải liên kết. Đó là sự phối hợp giữa chính quyền và các cơ quan chuyên môn, các thành phần khác trong cộng đồng xã hội để thực hiện một kế hoạch chung cho vùng ĐBSCL. Mục tiêu cơ bản không chỉ là phát triển kinh tế, mà quan trọng hơn là bảo vệ cư dân trong vùng trước các rủi ro thiên tai, vừa nâng cao thu nhập cho hộ nghèo. Cộng đồng các địa phương dựa vào hiện trạng công trình thủy lợi hiện có để thiết kế cải tiến, xây dựng hệ thống công trình chủ động nguồn nước và bảo vệ cư dân trước các nguy cơ nước biển dâng, hạn hán và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc liên kết vùng còn thực hiện chuỗi giá trị liên kết, tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, đưa các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL phát triển bền vững…

Minh Đạt

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Để ứng phó hạn, mặn và biến đổi khí hậu, đảm bảo sinh kế cho nông dân, tỉnh đã chủ trương chuyển đổi, quy hoạch nhiều vùng sản xuất.

Đặc biệt, tỉnh cũng đang tập trung chuyển đổi những diện tích trồng lúa, nuôi tôm không hiệu quả sang mô hình lúa - tôm. Đây là mô hình đã được kiểm chứng tính hiệu quả và bền vững. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã áp dụng mô hình lúa - tôm gần 40.000ha. Định hướng của tỉnh là tiếp tục nhân rộng diện tích mô hình này.

Sắp tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển giao, phổ biến khoa học - kỹ thuật, đồng thời áp dụng các giống lúa chất lượng, thích ứng với độ mặn cao ở vùng sản xuất lúa - tôm. Ngoài mô hình lúa - tôm, tỉnh cũng đang triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa. Đây cũng là mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.