Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
50 năm đồng đất Bạc Liêu thay đổi
Vượt qua biết bao thăng trầm, đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang khẳng định được vai trò là trụ đỡ kinh tế của tỉnh. Trong đó, nổi bật là sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững…
Ứng dụng thiết bị bay điều khiển từ xa trong sản xuất nông nghiệp.
Từ trong gian khó…
Trước đây, dù đồng đất Bạc Liêu rộng mênh mông, nhưng diện tích có thể canh tác lúa chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi phần lớn là lung sình, đồng năn, cỏ mọc cao hơn đầu người. Đời sống người dân khi ấy chủ yếu là khai thác, đánh bắt các sản vật sẵn có như: tôm, cua, cá… đem bán để đổi gạo và các nhu yếu phẩm thiết yếu hằng ngày.
Trước khó khăn này, chính quyền địa phương đã vận động người dân khai phá đất hoang, đào đắp bờ bao, khai thông, xổ phèn, cải tạo đất. Điểm nhấn cho quá trình này là những con kênh xáng rộng hàng chục mét mang tính liên huyện, liên vùng được khởi công xây dựng và nhanh chóng hoàn thành như: kênh xáng Quản lộ - Phụng Hiệp, kênh cầu Sập - Ninh Quới; Phước Long - Ba Đình; Phó Sinh - Cạnh Đền…, cùng hàng trăm con kênh theo như cách gọi của nhiều lão nông là “trăm ngang - ngàn dọc”. Nối tiếp sau đó là những cống ngăn mặn, trữ ngọt chạy dọc theo tuyến kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, đã giúp giải bài toán tiêu úng, thoát phèn làm nức lòng người dân vùng đất Bạc Liêu.
Từ khi hạ tầng thủy lợi từng bước được đầu tư đồng bộ, những địa danh: Cánh đồng chó ngáp, Tam giác Ninh Quới, Vườn Hoang, Lung Sình… ngày nào nay đã từng bước chuyển mình trở thành những vùng đất màu mỡ, trù phú ruộng thẳng cánh cò bay, đời sống người dân dần ổn định và thay đổi rõ nét. Theo lời kể của nông dân Nguyễn Thành Nghiệp (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân): “Sau ngày giải phóng, vùng đất này chỉ có năn, rùa, rắn, đỉa, cá đồng là sống nổi chứ nông dân muốn trồng, muốn nuôi con gì cũng rất khó khăn. Lúc đó, đa phần mọi người làm nghề đan đát, rồi trồng thêm khóm vì loại cây này thích hợp với đất phèn mặn… Cuộc sống cứ thế lây lất qua ngày với đầy rẫy khó khăn. Nhưng nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà đời sống kinh tế, bộ mặt làng quê đã đổi khác, phát triển hơn trước rất nhiều”.
Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư hạ tầng, ngành Nông nghiệp tỉnh còn tích cực truyền đạt các kỹ thuật canh tác, các giống lúa mới… để bà con áp dụng vào sản xuất. Song song đó, để giúp giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, những thiết bị, máy móc hiện đại cũng từng bước được chuyển giao, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm. Từ chỗ “con trâu đi trước, cái cày theo sau” nay gần như máy móc, thiết bị hiện đại đã bao phủ hoàn toàn các công đoạn trong sản xuất nông nghiệp, từ đắp bờ, cày ải, sạ giống, bón phân, xịt thuốc… đến thu hoạch.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, những năm gần đây, do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi diễn biến khá phức tạp. Mặt khác, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm nông nghiệp còn chậm; giá trị gia tăng, thu nhập của người dân còn thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi sản xuất nông nghiệp của tỉnh cần có bước chuyển biến mới, thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Chế biến tôm xuất khẩu ở công ty Trang Khanh.
Nông dân huyện Hồng Dân trúng vụ tôm càng xanh nuôi xen canh trong ruộng lúa. Ảnh: C.L
…Đến những cánh đồng trĩu hạt
Nỗ lực vươn lên từ trong khó khăn, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu hôm nay không chỉ tự chủ lương thực trong nội tỉnh mà còn là một trong những địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa, tôm chất lượng cao có tiếng trong cả nước. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã áp dụng sản xuất thành công mô hình luân canh tôm - lúa, phá thế độc canh cây lúa, giúp mở hướng đi mới cho nông dân. Từ chỗ 1 vụ lúa/năm, nông dân đã biết trung hòa lợi ích giữa mặn - ngọt, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế. Vụ lúa - tôm năm 2023 - 2024, toàn tỉnh xuống giống hơn 46.800ha lúa trên đất tôm, năng suất bình quân 6,26 tấn/ha, sản lượng gần 293.400 tấn, đạt trên 107% kế hoạch và tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Đây là minh chứng rõ nét cho sự sáng tạo, vươn lên khó khăn, làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của nông dân Bạc Liêu trong thời kỳ đổi mới.
Ngoài sản xuất lương thực để phục vụ nhu cầu của Nhân dân trong tỉnh, ngành Nông nghiệp đã bước đầu đa dạng hóa sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, với quyết tâm xây dựng “thủ phủ tôm” đã góp phần làm cho hình ảnh Bạc Liêu tỏa sáng với nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh áp dụng quy trình, công nghệ hiện đại đứng đầu cả nước. Cũng từ đây đã chỉ ra đường hướng phát triển mới cho nền kinh tế tỉnh nhà và hình thành nên một trụ cột chiến lược để Bạc Liêu bứt phá. Năm 2024, cũng là năm Bạc Liêu cán mốc xuất khẩu thủy sản đạt 1 triệu đô-la.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: “Hiện tỉnh đang tập trung tái cơ cấu trồng trọt theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy các sản phẩm lợi thế. Từng bước xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Bạc Liêu”.
Nhằm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, trở thành một trong 5 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang không ngừng nỗ lực phát triển nông nghiệp Bạc Liêu theo hướng xanh, sạch, an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, việc phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, kết hợp ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã thúc đẩy tăng nhanh diện tích, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng - vật nuôi lợi thế của tỉnh. Trong đó, chú trọng quy hoạch vùng nuôi tôm siêu thâm canh, vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn với địa chỉ tiêu thụ cụ thể để giúp nông dân ổn định đầu ra, tăng thu nhập và yên tâm mỗi khi bước vào vụ mới. Chưa dừng lại ở đó, để hướng đến sản xuất tôm sạch, có chứng nhận, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đang khuyến khích các công ty, nhà máy chế biến tôm liên kết với nông dân xây dựng vùng nuôi riêng theo quy trình, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại tiến tới đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGA, ASC…, qua đó, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phát huy tiềm năng, lợi thế hiện có, ngành Nông nghiệp tỉnh đang từng bước khắc phục những khó khăn. Mặt khác, không ngừng chuyển đổi theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và đang mở ra cánh cửa mới trong thời kỳ phát triển và hội nhập…
Chí Linh
Mục tiêu của Bạc Liêu trong năm 2025 là triển khai 28.000ha gieo trồng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên toàn tỉnh, đến năm 2030 là 46.000ha, nhằm hiện thực hóa các chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng tới mục tiêu sản xuất lúa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…
Cũng trong năm nay, tỉnh sẽ bắt tay vào thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Và đó cũng là cơ sở ra đời những cánh đồng thuận thiên.