Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Nông nghiệp Bạc Liêu: Những thành tựu vượt bậc
Trải qua 43 năm từ Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Bạc Liêu không ngừng phát triển về mọi mặt. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu vượt bậc và là ngành quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Lãnh đạo Trung ương và tỉnh tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc (tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu).
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công lộ giao thông nông thôn ở huyện Hồng Dân. Ảnh: M.Đ
Ngành Nông nghiệp luôn giữ vai trò là “trụ đỡ” và góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2017, GRDP nông, lâm, thủy sản đạt 10.545 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), chiếm 42% GRDP toàn tỉnh. Từ một nền nông nghiệp độc canh cây lúa, mang tính “tự cung tự cấp”, nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp không ngừng nâng cao, nhất là vụ lúa đông xuân năng suất bình quân đạt 7 - 8 tấn/ha.
Hiện nay, Bạc Liêu đã hình thành từng vùng sản xuất mà chủ lực là cây lúa gồm 68.000ha và vùng sản xuất tôm nước lợ với hơn 124.000ha. Với cơ cấu là những mô hình vượt trội đi đầu trong vùng ĐBSCL, Bạc Liêu đã áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, quảng canh cải tiến kết hợp tôm - cua - cá, mô hình lúa - tôm. Tỉnh cũng đang khởi công xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với quy mô 418,91ha (tại xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) để Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm của khu vực ĐBSCL cũng như cả nước.
Hiện nay, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh là 1.334ha. Trong đó, có 7 doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính (gồm 795,6ha) và 155 hộ dân áp dụng (gồm 538,6ha); năng suất bình quân 25,47 tấn/ha. Bạc Liêu đã chuyển đổi gần 2/3 diện tích đất sản xuất, trong đó chuyển đổi gần 60.000ha đất lúa sang nuôi trồng thủy sản để thích ứng biến đổi khí hậu. Từ đó, hình thành nhiều mô hình mang lại hiệu quả rất cao như mô hình nuôi tôm “sạch”. Qua đó tạo ra sản phẩm đáp ứng thị trường đòi hỏi khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với một số doanh nghiệp để xây dựng chuỗi sản xuất có khả năng được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP. Đồng thời khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi thủy sản; khuyến khích nuôi một số loài cá kết hợp cải tạo môi trường.
Mô hình tôm - lúa ở TX. Giá Rai.
Nông dân huyện Phước Long thu hoạch tôm càng xanh.
Đến nay, nuôi trồng thủy sản đã chiếm trên 2/3 giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp. Ngoài những mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, một số mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - cua - cá kết hợp và mô hình tôm - lúa đã ổn định, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, điện, môi trường, trường học, cơ sở vật chất y tế, văn hóa… Năm 2017, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 978 tỷ đồng thi công các công trình phát triển nông thôn đạt các tiêu chí nông thôn mới. Phước Long được Trung ương công nhận huyện nông thôn mới. TP. Bạc Liêu có 3/3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu trong năm 2018 được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới là chương trình mục tiêu quốc gia, nên tỉnh rất quan tâm trong công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp - nông dân - nông thôn là vấn đề tỉnh rất quan tâm. Xây dựng nông thôn mới là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để vực dậy sự phát triển của nông thôn, mà cốt lõi là từng bước nâng cao đời sống nông dân...”.
Trong 43 năm qua, nông nghiệp Bạc Liêu đã có những thành tựu vượt bậc, đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã chỉ rõ: Nông nghiệp là ngành mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế của Bạc Liêu. Nông nghiệp là đầu tàu để lôi kéo công nghiệp, xây dựng cũng như dịch vụ du lịch để nâng tầm Bạc Liêu trở thành tỉnh thuộc tốp khá trong khu vực ĐBSCL.
MINH ĐẠT