Nhịp cầu nhân ái
Người dì tật nguyền nuôi cháu bị dập tủy sống lưng
Hoàn cảnh của người dì Trần Ngọc Thuận và cháu Trần Văn Quân (ấp Do Thới, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) được nhiều người thương cảm. Dì thì bệnh tật phải chống nạng đi từng bước, còn cháu thì gần đây bị té dập tủy sống lưng khi leo cây mắm đốn củi.
Theo ông Thanh Tuấn, Trưởng ấp Do Thới: “Hộ của bà Thuận là quá đặc biệt! Dì thì tật nguyền, cháu thì quanh năm làm mướn, kiếm được vài đồng chỉ đủ mua gạo ăn và mua ít dầu lửa đốt đèn”.
Bà Thuận năm nay 63 tuổi. Bà bị tật ở chân từ nhỏ, chỉ chống nạng đi lòng vòng trong nhà, sức khỏe yếu. Mọi việc từ giặt quần áo đến cơm nước, lao động kiếm tiền đều do người cháu Trần Văn Quân (43 tuổi) đảm nhận. Tuy sức đàn ông, chịu thương chịu khó, tính tình hiền lành, nhưng vì hơi “khờ” nên dù làm lụng hết sức vẫn không khá nổi. Căn nhà tường nền đất trước đây được người thân xây dựng nay đã cũ kỹ, xuống cấp, nứt, dột. Nhà không có điện sinh hoạt, không giếng nước sạch, không nhà vệ sinh, không có ti vi, radio. Để có nước sử dụng, anh Quân phải đi xin hàng xóm và gánh về. Tối tối, niềm vui của hai dì cháu là đốt cây đèn dầu leo lét, mỗi người nằm một giường nói chuyện về cuộc đời.
Khi anh Quân té từ trên cao xuống nằm bất động, người trong xóm đưa anh vào bệnh viện, họ đi vận động tiền để đưa anh lên TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật. Người bà con tử tế theo suốt anh trong hành trình ở bệnh viện, còn những người hàng xóm tốt bụng thì mang đến cho bà Thuận từng chén cơm. Bà Thuận nói trong nỗi bàng hoàng: “Tôi không ăn ngủ gì nổi khi nghĩ đến thằng Quân! Trời ơi, tôi đâu có ngờ nó té tới gãy cột sống…”. Khi anh Quân được về nhà tập đi, bà Thuận cố gượng cười để cháu yên tâm, chứ trong lòng bà vẫn lo nếu lỡ anh Quân không còn lao động kiếm sống được nữa thì cuộc đời anh sẽ ra sao?!...
Em Hồng Phượng, người từng đứng ra vận động tiền giúp anh Quân điều trị bệnh, chia sẻ: “Nhà của dì Thuận và anh Quân thấp lắm! Trước khi bị tai nạn, ảnh đã vác đất tôn nền lên cao cho đỡ ngập. Ảnh hơi khờ nhưng chăm chỉ, ai kêu gì làm đó, cho bao nhiêu thì nhận bao nhiêu rồi đem về mua gạo, cá sống qua ngày. Có khi làm cả ngày nhưng người ta trả công anh bằng mấy con cá, mớ rau”.
Sau phẫu thuật, anh Quân lần theo giường tập đi được vài bước ngắn, nhưng vẫn còn di chứng, nhất là việc sinh hoạt cá nhân. Bệnh viện hẹn anh tái khám và chỉ định anh tập vận động có chừng mực, tuyệt đối không được lao động, mang vác nặng. Điều này quả là éo le đối với anh và người dì già yếu. Bây giờ, chuyện ăn uống của hai dì cháu nhờ vào lòng thương xót của mọi người, còn chuyện thang thuốc cho anh Quân, chuyện sinh kế lâu dài của hai dì cháu thì như bóng mây đen.
Nhịp cầu Nhân ái - Báo Bạc Liêu mong được sự giúp đỡ của những bạn đọc hảo tâm đối với hoàn cảnh của dì cháu anh Quân. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo Bạc Liêu, số điện thoại: 0291.3829598, hoặc liên lạc với anh Hiền (bà con với gia đình anh Quân), số điện thoại: 0913.791.350.
Đình Hải
Anh Trần Văn Quân (nằm) được người dì tật nguyền chăm sóc. Ảnh: Đ.H
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh