Giáo dục - Học Đường

Giới trẻ thiếu kỹ năng sống: Thực trạng đáng báo động

Thứ Sáu, 14/12/2012 | 19:27

Hai tuần nay, người dân địa phương vô cùng bàng hoàng khi nghe tin một nữ sinh ở huyện Phước Long tự sinh nở rồi thả con xuống kênh. Vụ án không chỉ tăng thêm nỗi nhức nhối về hiện tượng “sống thử” của học sinh, sinh viên (HS, SV) hiện nay, mà còn gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng thiếu kỹ năng sống (KNS) ở lứa tuổi thanh thiếu niên, dẫn đến những cách hành xử ngoài sức tưởng tượng…

Thiếu KNS, nữ sinh… giết con

Ngày 14/12/2012, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phước Long cho biết, đơn vị đã đưa mẫu đứa trẻ sơ sinh và những người có liên quan đi giám định ADN và giám định xác định nguyên nhân cái chết của đứa trẻ để có cơ sở khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội giết con mới đẻ.

Trong quá trình học kế toán ở TP. Bạc Liêu, em N.T.K (22 tuổi, ngụ xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) có quan hệ nam nữ với một người đàn ông và lỡ mang thai. Gia đình K. và hàng xóm đều không hay biết, dù em vẫn đi - về thường xuyên. Đến ngày lâm bồn, K. ra gốc mít sau nhà hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, rồi thả “núm ruột” mình xuống con kênh trước nhà… Sự nhẫn tâm của người mẹ trẻ đối với đứa con “mang nặng đẻ đau” khiến nhiều người kinh ngạc.

Học sinh trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu (ảnh chỉ mang tính minh họa không liên quan tới nhân vật trong bài viết). Ảnh: C.H

Chia sẻ suy nghĩ về vụ án này, Thạc sĩ tâm lý Trần Công Chánh, Hiệu trưởng trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, cho rằng: “Việc em K. có quan hệ nam nữ và mang thai trong lúc còn đi học không phải là cá biệt. Ngành Giáo dục có quy định, trong thời gian học tập, HS, SV không được sinh nở. Nếu lỡ mang thai, nhà trường phát hiện thì sẽ đình chỉ học để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và em bé. Mặc dù vào mỗi đầu năm học, các cơ sở giáo dục đều khuyến cáo HS, SV về “lệnh cấm” này, nhưng vẫn có không ít em “vi phạm” và giải quyết hậu quả theo nhiều cách khác nhau”.

Đối với những trường hợp lỡ có thai ngoài ý muốn, để tránh những hậu quả đáng tiếc, cùng với sự nỗ lực hợp tác của bản thân, người mang thai với cha đứa trẻ, thì gia đình hai bên cũng phải bình tĩnh và cần chia sẻ với những khó khăn mà người mang thai đang phải đối mặt. Đồng thời tích cực hàn gắn mối tình giữa mẹ và cha đứa trẻ - nếu có thể. Đặc biệt, xã hội nên rộng lượng, yêu thương “người lỡ đi sai đường” để tránh gây tổn thương.

(Thạc sĩ tâm lý Trần Công Chánh)

Chuyện mang thai trong quá trình học của nữ sinh K. chỉ như giọt nước tràn ly về chuyện “ăn cơm trước kẻng” trong học đường. Tuy nhiên, hành động thả con xuống kênh, dù với bất kỳ lý do nào đi nữa, thì rõ ràng đang có một lỗ hổng trầm trọng trong nhận thức của HS, SV hiện nay. Các em thiếu KNS, nên không có khả năng giải quyết vấn đề.

Theo Thạc sĩ tâm lý Trần Công Chánh, cùng một sự việc, nhưng khi con người hành xử khác nhau, sẽ cho ra kết quả khác nhau. Em K. lỡ có thai, nếu em biết đối mặt với thực tế và có ý thức trách nhiệm với bào thai của mình, đồng thời nỗ lực hợp tác cùng cha đứa trẻ, cùng gia đình hai bên để được mọi người chia sẻ, cảm thông… thì tôi tin rằng, mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều. Đáng tiếc, em lại giải quyết theo hướng cực đoan, “gây tội ác”, tạo ra bi kịch cho đứa con, cho bản thân lẫn gia đình. Có thể K. sẽ rơi vào vòng lao lý, chấm hết biết bao ước mơ, dự định tốt đẹp trong tương lai. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá cho các bạn trẻ.

Giáo dục KNS - còn nhiều bất cập

Thời gian qua, báo chí đã phản ánh khá nhiều về thực trạng thanh thiếu niên thiếu hụt kỹ năng xử lý, ứng phó với tình huống xảy ra trong cuộc sống, nên đã rơi vào bế tắc, không thể tự kéo mình lên, như: giết bạn vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, bỏ nhà đi bụi, nữ sinh tham gia vào đường dây mại dâm, hoặc tự vẫn vì bị thầy cô, cha mẹ trách mắng… Vụ án của nữ sinh K. chỉ là hồi chuông báo động thêm về sự bất cập trong công tác giáo dục KNS cho giới trẻ hiện nay.

Giáo dục KNS cho thanh thiếu niên là trách nhiệm của nhiều tổ chức, đoàn thể xã hội, trong đó “người chủ công” chính là ngành Giáo dục và gia đình. Tuy nhiên, theo ông Dương Hồng Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Sở GD-ĐT: “Thời gian qua, công tác giáo dục KNS cho học sinh chưa được các trường đầu tư đúng mức về tài liệu, cơ sở vật chất giảng dạy. Nội dung, cách thức giáo dục KNS đơn điệu, sơ sài, chưa thu hút sự quan tâm của học sinh. Bản thân giáo viên còn thiếu KNS nên khó đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục KNS cho học sinh… Vì vậy, với không ít cơ sở giáo dục, giáo dục KNS là nhiệm vụ bất đắc dĩ và hệ quả là “được chăng hay chớ”.

Đồng tình với ông Dương Hồng Tân, nhiều người cho rằng, trong công tác giáo dục, nhà trường chỉ chú trọng đến việc “dạy chữ”, chứ chưa chú ý đến việc “dạy người”. Về phía các đoàn thể xã hội khác, nhìn chung đều có tham gia vào công tác này, nhưng chưa quan tâm đúng mức. Đặc biệt, về phía gia đình, vì nhiều nguyên nhân mà hầu hết các bậc phụ huynh đều khoán trắng việc giáo dục KNS con em mình cho nhà trường, trong khi giáo dục gia đình lại chính là nền tảng đầu tiên và quan trọng.

Trước những bất cập trên, mới đây, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp giáo dục KNS cho học sinh THPT và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay”. Mục đích hội thảo là nhằm cùng ngành Giáo dục kịp thời tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác giáo dục KNS.

Bên cạnh đó, qua trao đổi với nhiều tổ chức, đoàn thể, người viết cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến hứa hẹn “sẽ” cải thiện công tác này trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn: không biết đến bao giờ những câu nói, những chữ “sẽ” kia trở thành hiện thực, trong khi giới trẻ đang cần lắm KNS!

Cẩm Huyền

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.