Vượt lên số phận

Thứ Hai, 08/08/2022 | 14:33

Theo số liệu khảo sát năm 2022, Bạc Liêu có 1.898 nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Không đầu hàng trước số phận khi phải gánh chịu những di chứng nặng nề trên cơ thể, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, xã hội, các NNCĐDC đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế phù hợp với hoàn cảnh nhằm cải thiện cuộc sống gia đình.

Phát triển kinh tế gia đình

Ông Trần Chi Lăng (51 tuổi, ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) bị khoèo, teo chân tay bẩm sinh, cơ thể chậm phát triển, chỉ cao 1,5m, nặng 45kg do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thu nhập chủ yếu của gia đình ông từ chính sách ưu đãi nạn nhân da cam và 4 công ruộng. Ông Lăng chia sẻ: “Vợ chồng tôi tiết kiệm, tích lũy được ít vốn nên quyết định xây chuồng nuôi heo. Ban đầu chỉ nuôi một vài con heo thịt, sau đó thấy hiệu quả nên tôi đầu tư xây thêm chuồng nuôi heo nái để bán heo con”.

Lấy ngắn nuôi dài, lứa này bán xong, tiếp tục lứa sau đẻ tiếp, trong chuồng thường xuyên có từ 6 con heo nái trở lên, có lúc lên đến 12 con. Nuôi heo thật không dễ, nhất là đối với người khuyết tật như ông Lăng, phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc, nhất là vệ sinh chuồng trại và tiêm ngừa các loại bệnh tật cho chúng. Đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh heo tai xanh, dịch tả heo châu Phi hoành hành, thế nhưng nhờ sự cần cù, chịu khó chăm sóc của ông mà bầy heo ngày càng phát triển, mỗi năm xuất bán khoảng 150 con heo giống.

Không chỉ đầu tư nuôi heo, ông Lăng còn tận dụng vườn, ao đìa xung quanh nhà để nuôi thêm gà vịt, ếch, cá, trồng cây ăn trái. Mỗi năm, sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông Lăng thu lãi khoảng 75 triệu đồng, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Bà Võ Thị Hồng Thoại - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm hộ anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Ảnh: N.Q

Cần cù bù đôi mắt

Là NNCĐDC, anh Trần Quý Hưng (34 tuổi, ấp Cái Tràm A1, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) đã chọn công việc xoa bóp, bấm huyệt y học cổ truyền làm kế sinh nhai, nuôi sống gia đình bởi từ nhỏ đôi mắt anh đã không nhìn thấy gì. Năm 2009, anh Hưng tham gia Hội Người mù tỉnh, được học chữ nổi, sử dụng máy vi tính và được đưa ra Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam ở Hà Nội học nghề xoa bóp, bấm huyệt.

Có nghề trong tay, thêm sự giúp vốn 15 triệu đồng của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, vợ chồng anh Hưng mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt điều trị bệnh. Không chỉ phục vụ khách tại cơ sở, anh Hưng còn đến tận nhà bấm huyệt theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài nghề chính này, anh Hưng còn nhận sửa chữa điện, nước cho hàng xóm để kiếm thêm thu nhập.

Cùng tuổi và bị khiếm thị giống anh Hưng, Nguyễn Thanh Hùng (ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) có nguồn thu nhập ổn định từ việc nuôi dê. Trên phần đất mượn tạm của Bộ đội biên phòng tỉnh, anh Hùng cất chuồng nuôi dê, bồ câu và trồng một số loại rau làm thức ăn cho dê. Mô hình nuôi dê đẻ và dê thịt sau 8 năm đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, cơ bản bảo đảm cuộc sống của anh Hùng và người mẹ già yếu. Xúc động trước tinh thần vượt khó vươn lên của anh Hùng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa hỗ trợ 60 triệu đồng để cất lại căn nhà cho gia đình anh.

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ đã rải hơn 700.000 lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất độc da cam xuống các vùng bờ biển Bạc Liêu, kéo dài qua huyện Hồng Dân, làm cho hơn 10.000 người bị phơi nhiễm, ước trên 6.000 người là NNCĐDC. Nỗi đau này kéo dài đến thế hệ cháu, chắt của người bị nhiễm chất độc, gây ra nhiều hệ lụy trực tiếp cho cuộc sống của họ. Nhưng với ý chí và bàn tay lao động của mình, nhiều NNCĐDC không đầu hàng số phận, dần vươn lên, cơ bản tự chủ cuộc sống và giúp ích cho cộng đồng.

Mạnh Quân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.