Đời sống - Xã hội
Truyền thông hiệu quả để giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình), bên cạnh việc huy động các nguồn lực đầu tư, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể TP. Bạc Liêu còn tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần giúp người nghèo thay đổi nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo. Từ đó, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.
UBND xã Hiệp Thành phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn cấp mã số cơ sở nuôi tôm trên địa bàn xã.
Thay đổi nhận thức, mở hướng thoát nghèo
Nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung của công tác truyền thông giảm nghèo, đồng thời tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Bạc Liêu chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trong thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển biến về hành động của cán bộ, đảng viên, người dân trong công tác giảm nghèo. Đồng thời chỉ đạo cán bộ, đảng viên tích cực tham gia ủng hộ đóng góp Quỹ Vì người nghèo, Quỹ An sinh xã hội, giúp đỡ hộ nghèo về vốn và phương tiện; các doanh nghiệp, mạnh thường quân thì đóng góp kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà, tặng quà cho hộ nghèo; tham gia thực hiện các công trình, phần việc thực hiện “Năm Dân vận khéo”; tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… Qua đó phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” đối với người nghèo.
Song song đó, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các ngành, tổ chức hội, đoàn thể từ thành phố đến phường, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân tham gia vào công tác giảm nghèo; tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hộ nghèo bằng nhiều hình thức như: xây dựng phóng sự, đăng tin, bài trên Cổng thông tin điện tử, phát trên sóng Đài Truyền thanh, tuyên truyền trên pa-nô và lồng ghép tuyên truyền thông qua các cuộc họp dân, hội nghị; kịp thời nêu gương người tốt - việc tốt, gương điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo, các mô hình làm ăn có hiệu quả.
Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong công tác giảm nghèo bền vững; động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tham gia học nghề, tìm việc làm ổn định; tích cực lao động, sản xuất, khơi dậy ý chí quyết tâm, chủ động vươn lên thoát nghèo. Có thể kể đến như gia đình chị Thạch Thị En (ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch), trước đây tài sản của gia đình chỉ có 2 công đất trồng rẫy, dù cật lực lao động, song vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2018, gia đình chị được Hội LHPN xã hỗ trợ con bò giống và hạt giống, đồng thời tạo điều kiện cho tham gia lớp truyền thông về giảm nghèo và các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, gia đình chị còn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn này, chị mua thêm bò giống để thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản, sau 3 năm, từ 6 con bò giống ban đầu đàn bò đã phát triển lên hơn 12 con. Đầu năm 2024, chị bán 8 con thu về trên 100 triệu đồng. Hiện chị còn duy trì trong chuồng 4 con tái thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản. Từ mô hình này đã giúp gia đình chị En có thu nhập ổn định, thoát nghèo. Không dừng ở đó, áp dụng kiến thức được truyền đạt qua các buổi tập huấn, chị trồng các loại rau phù hợp với thị hiếu thị trường, nhờ vậy có nguồn thu quanh năm. Thu nhập ổn định cộng thêm Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà tình thương, chị vừa xây dựng căn nhà kiên cố trị giá hơn 200 triệu đồng, cuộc sống gia đình ngày khởi sắc.
Mô hình nuôi bò giúp gia đình chị Thạch Thị En thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Ảnh: T.Q
Đa dạng các hình thức truyền thông về giảm nghèo
Theo Phòng LĐ-TB&XH TP. Bạc Liêu, bên cạnh chú trọng triển khai có hiệu quả nguồn vốn Chương trình, thành phố còn đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp người nghèo sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ cũng như tự lực vươn lên để thoát nghèo bền vững. Từ năm 2023 - 2024, Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố phối hợp với Đài PT-TH Bạc Liêu tổ chức thực hiện 4 phóng sự truyền thông về công tác giảm nghèo; Phòng LĐ-TB&XH thành phố cũng phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Báo Bạc Liêu tuyên truyền về Chương trình; in ấn, phát hành tờ rơi, tài liệu, sổ tay với cùng nội dung. Ngoài ra, còn tổ chức triển khai 13 phiên giao dịch việc làm cho 10 đơn vị phường, xã, có 900 lượt người dự. Tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm cho 8.000 lao động; Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn năm 2024 được 3 cuộc, có 105 người dự. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể qua các năm. Nếu như năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm xuống còn 0,69% thì đến đầu năm 2024, toàn thành phố còn 43 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội; 230 hộ cận nghèo (trong đó, hộ cận nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội là 42 hộ).
Tính đến thời điểm này đã là gần giai đoạn cuối của Chương trình, thời gian tới TP. Bạc Liêu tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; sự quản lý điều hành quyết liệt của chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững; phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và người dân về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tự chủ vươn lên thoát nghèo.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; triển khai các biện pháp, cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội nhằm tác động tích cực trong việc thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố…
Có thể thấy, thông qua hoạt động truyền thông, các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, đầy đủ đến tận người dân, có hiệu quả và đúng quy định; người nghèo được tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi, phát huy tác dụng của các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tín dụng, thông tin, điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, nhà ở và các hỗ trợ đột xuất khác. Những hoạt động này đã góp phần giúp đỡ người nghèo cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn để thoát nghèo bền vững.
Thanh Vũ
- Chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025
- Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Nam
- TP. Bạc Liêu: Khởi công xây dựng 18 căn nhà thuộc Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
- Vô tư chạy xe máy “đầu trần” trong trung tâm xã
- Cảnh giác với thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh, video “nhạy cảm” để cưỡng đoạt tài sản